QĐND Online - Không khí biển Sầm Sơn, Thanh Hóa sáng nay (10-5) như được đánh thức sớm hơn bởi những tiếng cười nói, những khuôn mặt rạng rỡ hòa trong ánh bình minh, lấp lánh cùng những ngôi sao, huân huy chương trên áo của hơn 1.300 cựu chiến binh Hội truyền thống xăng dầu đường ống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Từ Cao Bằng đến mũi Cà Mau, các lực lượng đảm bảo xăng dầu, đường ống trên đường Trường Sơn năm xưa qua các thế hệ đã tề tựu nhau lại trong buổi gặp mặt hôm nay, cùng nhau nhớ lại 40 năm Ngày xăng dầu đường ống vào đến Bù Gia Mập (14-3-1975), phục vụ cho đại thắng mùa xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 |
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Chủ tịch Hội truyền thống bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức phát biểu. |
Một thời để nhớ
Bằng sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội và nguyện vọng của đông đảo các đồng đội cũ, lần đầu tiên một cuộc gặp mặt quy mô lớn như vậy được tổ chức. Có mặt trong buổi hôm nay từ những người thi công tuyến ống đầu tiên, Tuyến X42 vượt “tam giác lửa” Vinh – Nam Đàn – Linh Cảm, đến các đơn vị thi công tuyến ống và vận hành trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt trên Trường Sơn: Công trường 18B, Binh trạm 169, các trung đoàn đường ống 592, 532, 537, 671, các đơn vị vận tải chở ống, chở xăng, các cán bộ Cục Xăng dầu 559 và xăng dầu các binh trạm.
Đến dự buổi gặp mặt còn có đoàn đại biểu: Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh, do Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội dẫn đầu; Cục Xăng dầu-TCHC do Đại tá Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng dẫn đầu, cùng nhiều đại biểu ngành xăng dầu và các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội)...
Đến nay, sau 40 năm, con “đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất” ấy, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, vẫn mãi là những con đường huyền thoại, thể hiện ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam.
Đối với họ, những ngày này của 40 năm về trước thực sự là một ngày đáng nhớ trong lịch sử bộ đội đường ống, cũng là một ngày đáng nhớ của một thời trẻ tuổi khi Bù Gia Mập là địa danh cuối cùng trên đường dài thiên lý vượt Trường Sơn đầy hy sinh gian khổ và xương máu của bộ đội đường ống hoàn thành. Những người lính tuyến ống đầy tự hào và họ có quyền tự hào về sự đóng góp của mình cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói với một nhà báo nước ngoài rằng: Khi xăng đường ống đến Bù Gia Mập là chúng tôi đã nắm chắc phần thắng; hay Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đánh giá: Nếu Đường Hồ Chí Minh là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó.
 |
Hơn 1.300 cựu chiến binh có mặt trong và ngoài hội trường tham dự buổi lễ. |
Xúc động trong buổi gặp mặt, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, nguyên Phó trưởng ban Khảo sát thiết kế đường ống cục Xăng dầu 559; Chủ tịch Hội truyền thống bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Trưởng ban tổ chức phát biểu rằng: Đường ống của chúng ta là một dòng sông mang lửa, vì nó sẽ bùng cháy dữ dội khi gặp một tia lửa nhỏ. Vậy mà nó đã vượt qua đỉnh Trường Sơn, qua núi cao, sông sâu, vượt qua mưa bom bão đạn đánh phá hủy diệt của Không lực Hoa Kỳ, kiên cường đứng vững, đảm bảo xăng cho các hoạt động chiến đấu trên Đường Hồ Chí Minh; không ngừng vươn sâu vào các chiến trường, đến tận Nam bộ.
Nhớ lại quãng thời gian ác liệt mà hào hùng ấy, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu khẳng định, bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn đã dũng cảm, sáng tạo, làm thất bại mọi âm mưu ngăn chặn của quân thù.
40 năm, sau gần nửa đời người, gặp lại nhau hôm nay, các chiến sĩ tuyến ống Trường Sơn năm xưa nay tóc đã pha sương nhưng những tình cảm, những cái ôm và lời nói họ dành cho nhau vẫn như thủa đôi mươi năm nào. Tất cả ký ức ùa về như vừa mới đây thôi và họ vẫn không thể nào quên được những việc họ đã làm khó tin như huyền thoại. Đó là khi địch đánh trọng điểm 050 đến mức đá bị nghiền thành bột nhưng bộ đội vẫn làm tuyến xăng dầu đưa vào Na Tông đúng giao thừa Tết Kỷ Dậu, kịp phục vụ chiến dịch. B52 chà đi xát lại khu vực suối Ra Vơ, bản Na, Pha Bang Nưa suốt mấy tháng trời quyết ngăn chặn tuyến ống nhưng họ vẫn đã táo bạo đưa tuyến ống vượt cao điểm 911, nơi địch không thể ngờ tới để đưa xăng dầu vào bản Cọ đêm 22-12-1969. Khi địch đánh cháy trạm bơm ở bản Cọ, những con người mưu trí, quả cảm ấy đã tính toán khôn ngoan vượt trạm trên cung đường dài 70km, kịp đưa xăng vào Đường 9, kịp phục vụ chiến dịch Đường 9- Nam Lào. Hay trong những ngày cuối chiến tranh, những trận lũ cuối mùa hung dữ ngăn chặn bước tiến thần tốc, bộ đội đường ống Trung đoàn 537 và 671 đã dùng vât liệu tại chỗ treo ống vượt sông, kịp đưa xăng vào Bù Gia Mập, phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 |
Dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh |
 |
Họ cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc |
Trong ngày vui gặp lại này, những chiến sĩ xăng dầu đường ống Trường Sơn năm xưa cũng không quên nhắc tới những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên trong điểm 050, Ngầm Pha Nốp trên tuyến hướng Tây. Những người đã hy sinh dọc suối Ra Vơ, cao điểm 911, trong điểm Pha Bang Nưa, Bản Cọ trên tuyến hướng Đông. Những chiến sĩ Trung đoàn 592 chiến đấu vào hy sinh để bảo vệ tuyến ống trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Họ cũng không quên những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 671 ngã xuống trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai cực kỳ ác liệt của Mỹ năm 1972 trên tuyến Đông Trường Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị. Những người lính không chỉ hy sinh tại những địa danh trên mà ở mọi nơi trên tuyến ống, họ có thể hy sinh trong những trận bom tọa độ hoặc những trận oanh tạc bất chợt của máy bay địch. Họ hy sinh vì bệnh tật, vì lũ cuốn và vì nhiều nguyên nhân, hiểm nguy không thể gọi tên hết trên núi rừng Trường Sơn.
Cùng chung dòng hồi tưởng đó, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu nhớ lại những giây phút chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Kỹ sư Lương ở X42 bị bỏng toàn thân trước khi chết đã đề nghị đồng đội bỏ chiếc khăn che mắt: Xin để tôi được nhìn bầu trời đất nước lần cuối. Hay Trung sĩ Nguyễn Lương Định trên đoạn tuyến đánh trọng điểm Pha Bang Nưa đã khẩn thiết đề nghị: Cho dù đã phá hết bom từ trường nhưng hãy để tôi vác ống kiểm tra lại lần cuối, rủi còn sót quả nào thì chỉ một người bị. Và anh đã một mình chịu trọn quả bom từ trường. Cả đại đội nhờ đó an toàn...
Xúc động trước những tình cảm mà những chiến sĩ tuyến ống dành cho nhau, Thiếu tướng Võ Sở khẳng định cuộc họp mặt là một hoạt động truyền thống đầy ý nghĩa. Từ năm 1968 đến năm 1975, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu này nhập vào tuyến hơn 317.000 tấn xăng dầu, đã cấp hơn 61.000 tấn cho các chiến trường, đảm bảo nhu cầu xăng, dầu cho vận tải và cơ động các binh chủng kỹ thuật quy mô lớn, phục vụ cho chiến trường miền Nam. Chính điều đó đã tạo nên bất ngờ lớn cho chiến trường, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
 |
Việc làm đầu tiên khi đến đây là ghi tên vào danh sách tìm đồng đội |
Nặng nghĩa tình đồng đội
Buổi gặp mặt không chỉ ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ về người đã khuất mà còn chia sẻ, truyền cho nhau nghị lực để vượt qua những gian khổ trong cuộc sống thường nhật. Họ đều biết tuổi càng cao thì để có những cuộc gặp như hôm nay sẽ càng khó khăn vì thế ai nấy đều cảm thấy trân trọng và quý giá từng phút giây họ bên nhau như lúc này.
Mang trong mình vết thương chiến tranh, dù đến nay những cơn đau vẫn hành hạ cô hàng tháng phải nằm ở trạm xá và người con trai út nhiễm chất độc da cam nhưng cựu chiến binh Trần Thị Lịch, cô gái 18 tuổi năm xưa là lính thông tin tuyến ống ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 968, Trung đoàn 592, đóng quân tại bản Ban (Lào) lại không muốn nói nhiều về hoàn cảnh của mình. Đối với cô, người lính Bộ đội Cụ Hồ dù sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn phát huy phẩm chất vượt khó, cô đã may mắn hơn nhiều đồng đội khi được nhìn thấy đất nước hòa bình. Cô muốn dành khoảng thời gian quý báu này bên đồng đội để chia sẻ, nhớ về một thời tuổi trẻ gian khổ nhưng đầy tự hào. Cô Lịch cho biết từ khi biết có cuộc gặp mặt này, cô trông từng ngày để anh em một thời sống chết bên nhau được hội tụ sau 40 năm xa cách.
Dù đã được trui rèn trong gian truân và lửa đạn, dù ít hay nhiều đều có đóng góp nhỏ bé của mình cho tuyến ống. Họ đã có một đoạn đời thanh xuân hào hùng và đáng tự hào. Dù may mắn được trở về sau chiến tranh nhưng nhiều người vẫn đang phải sống vất vả vì những thương tích mang trong mình, vì chất độc da cam và nhiễm độc xăng chì. Con cái của nhiều người phải mang di chứng đau lòng... những cựu chiến binh ngành xăng dầu đường ống Trường Sơn đã cố gắng đùm bọc, giúp đỡ nhau.
 |
Giây phút mừng vui lúc gặp gỡ... |
 |
... và trao đổi số điện thoại khi chia tay |
Nhìn về quá khứ, nhớ lại một thời không thể quên xẻ dọc Trường Sơn của những người lính bộ đội Trường Sơn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao cứu nước. Tất cả như một động lực khiến những người lính năm xưa quên đi nỗi đau thể chất sau chiến tranh mà họ đang hằng ngày gánh chịu.
“Yêu xe như con, quý xăng như máu”, là câu nói mà tất cả chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn năm ấy đến nay vẫn dùng như một ký hiệu để nhận ra nhau, cựu chiến binh, Đại úy Trịnh Xuân Mao chia sẻ. Là chiến sĩ lái xe vận chuyển xăng dầu phục vụ chiến trường miền Nam (đoạn từ Quảng Trị vào Bù Gia Mập) khi tuổi đời mới 18, cựu chiến binh Xuân Mao không thể quên lần chết hụt trong lần vận chuyển xăng ở khu vực phía Bắc Campuchia. Chạy xe từ khi mặt trời lặn đến lúc mặt trời lên, mới 5 giờ sáng xe của anh bị máy bay C130 của Mỹ phát hiện, ném bom khiến cả xe xăng nổ. Đến nay, 6 mảnh đạn vẫn nằm trong cơ thể anh khiến sức khỏe giảm sút nhưng vẫn cố gắng đến buổi gặp mặt để tìm lại những đồng đội năm xưa, để biết cuộc sống của họ nay ra sao.
Thượng tá Hà Khắc Thuần, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xăng dầu, Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống bộ đội xăng dầu đường ống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: Từ năm 2012 tới nay, Hội đã vận động các doanh nghiệp được 445 triệu đồng để hỗ trợ 9 đồng chí làm nhà. Bên cạnh đó, Hội còn vận động ủng hộ quà và tiền hỗ trợ một số cựu chiến binh chữa bệnh...
Đồng chí Hà Khắc Thuần cũng cho biết trong những năm 1990, Ban liên lạc Trung đoàn 592 (tiền thân của Hội) đã vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng 4 gia đình là mẹ liệt sĩ Trần Xuân Sơn, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Phơ, Dương Ngọc Hồi, Nguyễn Thị Hẹ; thương binh Nguyễn Lương Định được chỉ huy Cục Xăng dầu tặng một ngôi nhà khang trang.
Không chỉ ủng hộ, giúp đỡ nhau về mặt vật chất, Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Phó Tham mưu trưởng Đoàn 559, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu quân đội còn đầu tư nhiều thời gian sưu tầm các bài thuốc dân tộc, in thành hàng nghìn cuốn sách tặng đồng đội. Đồng chí Mai Trọng Phước còn dùng tiền hỗ trợ cựu chiến binh Nguyễn Thị Liên ở Hà Tĩnh mua trâu, xe đạp cho con đi học.
“Vẫn biết thời gian qua đi, đồng đội sẽ có người còn, người mất nhưng tôi vẫn luôn ngóng thông tin trên bảng tìm đồng đội. Mong cho những dòng thông tin ấy sẽ luôn dài như bây giờ để biết đồng đội mình vẫn khỏe mạnh”, Thiếu úy Lê Văn Huệ, Đại đội trưởng Đại đội 92, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 532 chia sẻ.
Cuộc gặp của những người viết nên huyền thoại đã diễn ra trong không khí hân hoan, đầy tự hào, để rồi năm tháng có trôi qua nhưng trái tim những thế hệ bộ đội đường ống xăng dầu “chân trần, chí thép” vẫn mãi được lịch sử khắc ghi như những anh hùng làm nên một dòng sông mang lửa.
Bài, ảnh: THU HÀ