Quân đội Trung Hoa dân quốc tại miền Bắc Việt Nam (cuối 1945). Ảnh tư liệu

Dưới danh nghĩa “quân Đồng minh” kéo vào nước ta giải giáp quân Nhật, hai mươi vạn quân Tưởng Giới Thạch đảm trách từ Đà Nẵng trở ra; từ Đà Nẵng trở vào, quân Anh, do Gracey-Tư lệnh Sư đoàn 20-Trưởng phái bộ Đồng minh, phụ trách.

Cuối tháng 8-1945, 4 quân đoàn địa phương và trung ương của Tưởng (bao gồm các quân đoàn 93, 62, 50, 60) theo hai hướng tiến vào Việt Nam: Hướng đường bộ Lạng Sơn, Lào Cai và đường thuỷ vào Đông Bắc, Hải Phòng, Hội An. Trong đó, Quân đoàn 60 có một sư đoàn vào Lào. Ngày 7-9-1945, những đơn vị đầu tiên của quân Tưởng đến Hà Nội.

Địa bàn Khu 4 lúc này gồm 6 tỉnh phải gánh trên vai cả gánh nặng hai vạn quân của một bộ phận lớn Quân đoàn 60 và số quân chúng ở Lào thường qua lại.

Mưu đồ của Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam là lập “Chính phủ quân sự”, đưa bọn tay sai phản động lên cầm quyền. Nhưng do Đảng ta và Hồ Chủ tịch sáng suốt chớp thời cơ, kịp thời lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà trước khi quân Tưởng vào buộc chúng phải giao thiệp với chính phủ Hồ Chí Minh. Dẫu vậy, chúng vẫn ngoan cố thực hiện mưu mô “diệt Cộng, cầm Hồ” (tiêu diệt Đảng Cộng sản, bắt Hồ Chí Minh), phá tan Việt Minh, giúp bọn tay sai lật đổ chính quyền cách mạng, dựng chính quyền phản động tay sai của chúng. Ngoài những tên Việt gian đầu sỏ theo gót quân Tưởng về nước như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh-mà Hà ứng Khâm, Long Vân, Tiêu Văn, Lư Hán, Trương Phát Khuê chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” làm con bài chính trị phản động ở cấp trung ương, chúng còn chuẩn bị bọn tay chân ở từng tỉnh, làm “đội quân ngầm tại chỗ”, sẵn sàng thực thi kế hoạch đón “Hoa quân nhập Việt”, dẫn đường cho quân Tưởng, phối hợp với “Việt Quốc”, “Việt Cách” gây bạo loạn, lật đổ. Nhiều tên trong số ấy đã sang gặp quan thầy ở Trung Hoa dân quốc nhận lãnh chỉ thị.

Chính vì vậy, khi vào Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, quân Tưởng cũng giở trò ngổ ngáo, láo xược như những tên chỉ huy trùm sỏ đã làm ở Hà Nội. ở Hà Nội, Lư Hán trắng trợn tuyên bố: “Không có một thời hạn nào quy định nhiệm vụ của quân Trung Hoa ở Việt Nam”. Đòi ta phải báo cáo quân số, tổ chức quân đội. Trong giao dịch với ta, cả Lư Hán lẫn Tiêu Văn đều không dùng công hàm của Chính phủ Trung Hoa dân quốc, mà chỉ dùng Bị vong lục, không có tiêu đề tên nước. ý chúng là không công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tiêu Văn đòi cải tổ Chính phủ, dành nhiều chức vụ quan trọng như Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao cho bọn tay sai. Chúng đã nhiều lần gây các vụ khiêu khích, xung đột, bắt cóc cán bộ, phá rối trật tự trị an, cướp bóc, khủng bố, đe doạ dùng vũ lực lật đổ chính quyền cách mạng. Tiêu Văn còn gửi tối hậu thư đòi đưa các bộ trưởng là người của Đảng Cộng sản ra khỏi Chính phủ.

Ở Khu 4, quân Tưởng cũng trắng trợn phá hoại ta bằng nhiều thủ đoạn: đưa đồng tiền Quan kim đã mất giá vào lưu hành trên thị trường, mua vét lương thực, hàng hoá, thực phẩm, gây rối loạn giá cả. Thực chất đó là một kiểu ăn cướp có nguỵ trang. Còn những cuộc cướp bóc công khai trên chợ, những vụ gây rắc rối để có cớ hạch sách, đặt điều kiện, thì hầu như nơi nào, ngày nào cũng xảy ra. Trong khi đó, các tỉnh Liên khu 4 cũng vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, nhất là từ Quảng Bình đến Thanh Hoá. Số người chết đói lên tới hơn 30.000 người; thiên tai lại dồn dập, hết bão lũ lại bị dịch tả, đậu mùa, dịch gia súc; mùa màng thiệt hại đến khoảng 50% tổng sản lượng, có nơi tới 60%. Chúng ta lại phải bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho chúng trong khi Đảng, Chính phủ còn phải chạy bữa cho dân từng ngày.

Ở Thanh Hoá, một trung đoàn quân Tưởng toả ra chiếm các vị trí xung yếu tại thị xã. Chúng “tập trận giả”, đặt súng máy cảnh giới các ngả đường, kiểm soát người qua lại, tước vũ khí bất cứ ai. Có lần, chúng bắt giữ và lấy vũ khí của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh. Bọn “Việt Quốc”, “Việt Cách” cấu kết với bọn phản cách mạng, lôi kéo, lũng đoạn những người kém giác ngộ, trong đó có “Liên minh võ sĩ cứu quốc”, tuyên truyền xuyên tạc việc làm đúng đắn của cách mạng; nói xấu cộng sản; xây dựng cơ sở phản động, chống đối chính quyền ta; tổ chức bắt cóc cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân, vừa để tống tiền, vừa hãm hại, gây rối loạn. Chúng gây sức ép đòi đưa bọn tay sai của chúng như Đặng Trần Hồ, Lê Hữu Nhơn vào chính quyền tỉnh. Tên Hoàng Văn Bách liên lạc với bọn “Việt Quốc” ở Hà Nội đưa người, vũ khí về ấp Di Linh, triển khai xây dựng “tỉnh đảng bộ Quốc dân đảng”, xây dựng “Đệ lục tỉnh chiến khu”…

Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, một vạn quân Tưởng-do Sư đoàn trưởng Khâu Bỉnh Thương chỉ huy-rải quân chiếm đóng nhiều nơi, trong đó có các tuyến giao thông quan trọng như Vinh-Hà Nội, Vinh-Lào; đường sắt Hà Nội-Vinh, Vinh-Đông Hà. Chúng đóng ở Vinh, cầu Cấm, cầu Yên Xuân, thị trấn Đức Thọ, cửa Rào, Mường Xén. Sư đoàn quân Tưởng ở Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như trung đoàn đóng ở Đồng Hới, Đông Hà, Huế đều là đội quân ô hợp, đi tới đâu, quấy nhiễu nhân dân tới đó. Nguy hại hơn, trong số đó có cả những tên đói khát, phù thũng, gieo rắc bệnh tật. Bọn này vơ vét mọi thứ vì đói khát, nhất là đồ ăn uống. ở Cửa Tùng, Hồ Xá (Vĩnh Linh), chúng kích động bọn Quốc dân đảng chống phá chính quyền; binh lính chúng ra chợ cướp giật, ức hiếp, đánh đập nhân dân.

Chúng cấm lực lượng vũ trang ta làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh, đòi phải nộp vũ khí cho chúng. Chúng đòi chính quyền ta ở các tỉnh dành những nơi trọng yếu cho chúng làm chỗ đóng quân, như đòi đặt sở chỉ huy tại nơi Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đang đóng trụ sở (gác 2 toà nhà Công sứ cũ của Pháp); đòi đóng quân tại trường Nguyễn Công Trứ (thị xã Vinh). Trung đoàn phó trung đoàn quân Tưởng đóng ở Vinh là Trịnh Lê Phiên còn xúi giục lập trường Trung học Hoa kiều, lập tổ chức vũ trang trá hình trong trường học.

Quân lính của Tưởng ở Cửa Rào ra sức vơ vét thuốc phiện trong dân. Bọn “Việt Quốc”, “Việt Cách” ráo riết phát triển tổ chức ở các địa bàn quan trọng. Nghệ An có khoảng 400 tên, Hà Tĩnh hơn 100 tên. Bọn này lợi dụng bóng quân Tưởng bắt tay với các phần tử phản động, rải truyền đơn, viết thư nặc danh đả kích, hăm doạ ám sát cán bộ, đả kích Cộng sản và chính quyền. Chúng còn lạc quyên gây quỹ, in bạc giả, kích động một số học sinh và quần chúng biểu tình, chống chính quyền. Riêng ở xã Trường Sơn (Đức Thọ), chúng xúi giục bao vây trụ sở Uỷ ban nhân dân, đòi giải quyết những yêu sách phi lý. Báo “Việt Nam”, chứa đựng rặt những nội dung phản động do “Việt Quốc” phát hành ở Hà Nội, được chúng đưa vào để phát tán khắp các tỉnh. Chúng hô hào lập hội “Tứ Dân”. Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, bọn “Việt Quốc” cũng đã thò tay đến một số nơi, lập ra một số “chi bộ”. Tuy vậy, trước khí thế và sức mạnh của nhân dân, chúng chưa dám ra mặt hoạt động. Hơn nữa, ảnh hưởng của chúng đối với nhân dân không lớn; ý thức cảnh giác của nhân dân lại cao, buộc chúng phải đắn đo, tính toán trước khi tráo trở.

Trước âm mưu thâm độc, xảo quyệt, hành động trâng tráo, trắng trợn của đội quân đầy tham vọng này, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong Liên khu một lòng một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chung nguyện vọng “cùng chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù phải chết cũng cam lòng”. Các cán bộ chủ trì các tỉnh về Hà Nội nhận chủ trương của Đảng, Chính phủ đón quân đội của Trung Hoa dân quốc thay mặt Đồng minh vào Việt Nam tước khí giới quân đội phát-xít Nhật bại trận cuối tháng 8 đầu tháng 9. Nội dung chủ trương được nhanh chóng quán triệt đến các cấp bộ và nhân dân các địa phương, trước hết là ở những nơi quân Nhật đồn trú. Tư tưởng chỉ đạo là: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh vào Việt Nam để tước khí giới Nhật nhưng kiên quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm hại dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa(1), và một mặt “tránh xung đột với quân Tưởng, tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp) tràn vào nước ta”.

Biết rõ tim đen của các thế lực phản động, đế quốc, đồng thời nhận thức đúng những mâu thuẫn giữa chúng, các cấp luôn theo dõi sát mọi diễn biến tình hình, kịp thời xử lý đúng đắn mọi sự cố nảy sinh trong quá trình “thân thiện giao hảo với Đồng minh”. Chỉ riêng trên đất Nghệ Tĩnh, vẫn còn hơn 1 vạn quân Nhật. Gọi là “bại trận”, nhưng bản chất phát-xít của đội quân võ sĩ đạo vẫn bộc lộ. Chúng cố tình dây dưa không chịu bàn giao vũ khí và các vị trí đóng quân cho ta. Chúng tung tiền mua các đồ quý hiếm trong dân để mang về nước. Ta phải dùng mọi cách lôi kéo, thuyết phục chúng rằng: Nhật đã đầu hàng Đồng minh; nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Quân đội Nhật phải tôn trọng luật pháp quốc tế và thực tế đó. Đẩy được quân Nhật đi sớm, có nghĩa là chặt bớt những mắt xích thống nhất về ý đồ phá hoại cách mạng Việt Nam giữa các đế quốc.

Thân thiện và tạm thời nhân nhượng, nhưng nhân nhượng có nguyên tắc, chính quyền các tỉnh tiếp đón chỉ huy của quân đội Tưởng trên tư cách chủ nhà, lịch sự, chu đáo, mến khách, nhưng đàng hoàng, chững chạc, chính quy. Ngay từ phút đầu tiên, ta đã tạo cho họ một không khí nghiêm túc, kính nể: Đất nước này là có chủ. Ta chủ động thành lập “Ban Việt-Hoa thân thiện”, vận động nhân dân đón tiếp quân Đồng minh khi tới các ga tàu, các điểm đến. Những khẩu hiệu được mang theo, hoặc được hô to khi đón tiếp thường tập trung vào các nội dung: “Việt-Hoa thân thiện”; “Hoan hô quân đội Đồng minh tước vũ khí Nhật”; “Yêu cầu quân đội Đồng minh tôn trọng độc lập của Việt Nam”; “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “ủng hộ chính phủ lâm thời nước Việt Nam”; “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Trong các buổi tiếp xúc cấp chỉ huy quân đoàn, sư đoàn của “quân Đồng minh”, Uỷ ban nhân dân Trung Bộ cũng như Uỷ ban các tỉnh luôn tìm cách làm cho chúng phải tuân thủ kỷ luật quân đội Đồng minh, không đi quá vai trò “quân đội Đồng minh”; phải tôn trọng quyền tự do, độc lập của Việt Nam. Để vừa tỏ rõ thiện chí của ta, vừa hạn chế sự đi lại lộn xộn của quân đội ô hợp nhưng đầy máu quân phiệt, các tỉnh bàn với cấp chỉ huy lập ra “Ban tiếp tế” chuyên lo việc bán lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho họ. Uỷ ban nhân dân các tỉnh cho niêm yết “Tuyên bố” của tướng Lư Hán về nhiệm vụ của quân đội Trung Hoa vào tước khí giới Nhật ở Việt Nam. Thể lệ đổi tiền Việt Nam và tiền Quan kim do chính phủ ta và chỉ huy “Quân đội Đồng minh” thống nhất quy định được dán nơi giao dịch, tiếp đón và ở chợ. Những cán bộ và cả những bậc phụ lão, sĩ phu biết giao dịch bằng tiếng Hoa “bút đàm” bằng chữ Hán, có khả năng làm công tác thuyết phục, tuyên truyền phân hoá đối phương, tranh thủ những người có thể tranh thủ, hoan nghênh việc làm đúng; cảnh báo những việc làm có hại cho mối tình “Việt-Hoa thân thiện”. Các tỉnh còn thông qua “Ban Việt-Hoa thân thiện” mở lớp dạy tiếng Trung Hoa. Một số nơi: như Vinh, Đồng Hới, Đông Hà còn tổ chức “giao lưu văn hoá”, “sinh hoạt câu lạc bộ” giữa thanh niên ta với quan quân Đồng minh. Riêng ở Vinh, tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, Đoàn thanh niên cứu quốc, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, đã góp phần làm cho sĩ quan Tưởng giảm bớt các “tối nhố nhăng” và thói hung hăng.

Những diễn biến trong cuộc đấu tranh ngoại giao giữa ta với các tướng lĩnh quân đội Tưởng ở Hà Nội và kinh nghiệm từ các cuộc đấu tranh trực tiếp với họ ở Thủ đô chuyển về, giúp cho các tỉnh thêm dày dạn. Khi ở Vinh, một đồng bào ta bị lính Tưởng đánh, lập tức hàng nghìn người xuống đường bày tỏ thái độ phản đối. Các đơn vị Giải phóng quân chấp hành chủ trương của Chính phủ đổi tên thành Vệ quốc đoàn-với nghĩa là một đoàn thể bảo vệ quốc gia-nhằm đối phó với yêu cầu trắng trợn của quân Tưởng đòi ta báo cáo hệ thống tổ chức quân đội và quân số, vũ khí. Các chi đội (trung đoàn) Giải phóng quân của các tỉnh chuyển bớt một phần ra khỏi thành phố, thị xã, nhưng vẫn để lại một số phân đội nhỏ phối hợp với lực lượng tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự-an ninh. Để vô hiệu hoá âm mưu độc chiếm quyền tuần tra, canh gác trong thành phố, thị xã và địa bàn trú quân của quân Tưởng, ta đấu tranh có lý, có tình, buộc họ chấp nhận sử dụng giấy công vụ in hai thứ chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Các giấy tờ, tài liệu mật đều được chuyển đến nơi bảo đảm an toàn. Các cấp bộ Đảng vẫn bám sát tình hình, lãnh đạo kịp thời mọi mặt hoạt động; nhưng về mặt công khai, Đảng tuyên bố “tự giải tán”. “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” là tổ chức công khai đảm nhận việc tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản, đường lối, chính sách của Đảng; giữ vững mối liên hệ mật thiết của Đảng đối với nhân dân. Mặt trận Việt Minh trở thành tổ chức gần gũi, thân thiết, cần thiết hàng ngày, đi sâu vào mọi hoạt động và cuộc sống. Toàn bộ lực lượng tự vệ ở các địa phương đều nằm trong Mặt trận. Cán bộ chỉ huy các chi đội phần lớn đều là cán bộ của Đảng. Số chưa phải là đảng viên thì hầu hết đều là cảm tình chí thiết, cốt cán, tin cậy của cách mạng. Những nơi khó khăn, những tình huống thử thách gay go, đều có mặt cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Khu trưởng Lê Thiết Hùng và đồng chí Nguyễn Tài-Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, trực tiếp lên mạn biên giới Đường số 7, cùng với địa phương tìm cách giải quyết những khó khăn về kinh tế-đời sống của đồng bào và bộ đội; kịp thời ngăn chặn quân Tưởng ăn cướp thuốc phiện của dân (lúc đó thuốc phiện còn là nguồn sống chủ yếu ở đây). Đồng thời, hai đồng chí đã trực tiếp thiết lập mối quan hệ-phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Xiêng Khoảng với Khu IV và tỉnh Nghệ An trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung sau khi Vương quốc Lào tuyên bố độc lập (12-10-1945).

ở Quảng Bình, bên cạnh Chi đội Lê Trực đang đảm trách đón đánh quân Pháp trên mạn BaNaphao, Tỉnh uỷ tổ chức một đại đội vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Tỉnh uỷ. Đại đội được Quân uỷ hội và Khu trưởng Khu 4 quan tâm trang bị vũ khí, đạn dược khá đầy đủ, nhằm đáp ứng yêu cầu đối phó với những tình huống xấu nhất.

Để “cắt đuôi” xoi mói, dò xét của các loại đặc vụ “Việt Quốc”, “Việt Cách” lúc này đang cố tìm cách lập “Liên tôn chống Cộng”, xâm nhập cài cắm vào lực lượng vũ trang non trẻ của ta, mật báo với quân Tưởng, gây khó dễ cho ta, Đại đội vũ trang Phú Quý được “nghi trang” dưới hình thức “trại kinh tế”. Đại đội được tuyển mộ từ các đảng viên, quần chúng cốt cán, cảm tình với Đảng, vừa có ý chí, tinh thần cao, vừa có sức khoẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, đủ năng lực, trình độ tiếp nhận chương trình huấn luyện gấp rút và cơ bản; đủ trình độ sử dụng thành thạo những loại vũ khí còn quý, hiếm so với bấy giờ (đại liên, trung liên, súng phóng lựu, súng trường bắn đạn chống xe bọc thép hạng nhẹ)… Đại đội còn lập một đơn vị đại đao được huấn luyện chuyên sâu về vũ thuật, “đánh giáp lá cà”. “Trại kinh tế” được bố trí ở nơi vốn là trang trại, đồn điền cũ, vừa dễ che mắt bọn cú vọ, thóc mách, vừa cách thị xã một độ đường trong phạm vi 15 km, sẵn sàng cơ động đập tan hành động chống phá của bọn phản động và bảo vệ cơ quan lãnh đạo.

Hiểu rõ sách lược đối phó mềm dẻo của Hồ Chủ tịch, nhân nhượng những điều có thể nhân nhượng được vì lý do cần thiết thống nhất dân tộc, xúc tiến ngoại giao, tránh đánh với nhiều kẻ thù một lúc, nhân dân và cán bộ ta phải hết sức kiềm chế. Nhưng trước những hành động điên cuồng chống phá của bọn tay sai dựa thế quân Tưởng, ta luôn phải sẵn sàng đối phó bằng nhiều biện pháp, trong đó “tích cực đề kháng, huy động lực lượng quần chúng biểu tình, phản đối”, tố cáo tội ác kẻ thù, là một trong những biện pháp biểu dương lực lượng mạnh mẽ có uy lực, làm cho chúng phải dè chừng, kiêng nể.

Đối với những hoạt động nguy hiểm, có nguy cơ xâm phạm an ninh, chủ quyền, đe doạ sự ổn định trật tự, ta kiên quyết và kịp thời trừng trị. Chẳng hạn, khi địch tiến hành lập “Chiến khu Di Linh”, ta tổ chức lực lượng tiến công phá tan luôn (tháng 12-1945). Đối với các ổ phản động “Việt Quốc” lập trụ sở ở Nông Giang, ở phố Cửa Tả và một số ổ nhóm tại thị xã Thanh Hoá; đối với tay sai chỉ điểm nguy hại như Hoàng Văn Bách (Thanh Hoá); bọn cầm đầu các hoạt động ám sát, nhen nhóm tổ chức phá hoại ở Nghệ An như Trần Kim Anh, Nguyễn Văn Chất, Hoàng Thị Canh, Nguyễn Thiện Biên, Nguyễn Ngọc Quỳnh; đối với những tên cầm đầu các vụ gây rối, tán phát tài liệu phản động… ta theo dõi chặt chẽ, giăng bẫy tóm gọn. Bọn “Việt Quốc” định vào Vinh đặt cơ sở hoạt động cũng bị công an và tự vệ phục bắt với đầy đủ tang vật, vũ khí ở Hoàng Mai.

Có lúc, có nơi, ta tỏ ra nhân nhượng, nhưng sự nhân nhượng ấy có lợi cho ta. Chẳng hạn, ở Đồng Hới ta để cho quân Tưởng đóng ở trại Khố xanh cũ theo yêu cầu của họ. Nhưng làm vậy, ta dễ bề giám sát, kiểm soát các hoạt động của chúng…

Quân Tưởng đứng chân ở Khu 4 hơn 6 tháng. Trong thời gian ấy, họ gây nên không ít khó khăn cho cách mạng đang thời kỳ trứng nước. Nhiều lúc căng thẳng cao độ. Nhưng, được Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, các tỉnh Khu 4 đã thực hiện nghiêm túc và có kết quả chủ trương và phương châm đối phó với mưu mô của một số quân phiệt Trung Quốc định chiếm nước ta trên các địa bàn phụ trách. Kết quả ấy được thể hiện cuối cùng ở việc thuyết phục quân Tưởng bàn giao lại quyền giữ gìn an ninh cho chính quyền ta, chứ không bàn giao cho Pháp như bọn chóp bu Tưởng-Pháp đã thoả thuận “đi đêm” với nhau. Ngày 17-4-1946, quân Tưởng rút khỏi Nghệ An và Hà Tĩnh. ở đây, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Vĩnh Dụ là Thượng hiệu Trần Túng Tài (đại diện quân đội Trung Quốc ở Vinh) ký biên bản bàn giao với Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghệ An vào ngày 30-3. ở Thanh Hoá, ở Huế, đại diện quân Tưởng cũng ký biên bản bàn giao rút hết khỏi Khu 4. Âm mưu của bọn phản động “Việt Quốc”, “Việt Cách” bị phá sản. Kết quả này đã tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi góp phần cùng cả nước đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước để rảnh tay tập trung đối phó với giặc Pháp xâm lược tránh khỏi tình trạng cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

PHAN XUYẾN THANH ĐỒNG