QDND - Ngay sau khi Buôn Ma Thuột được giải phóng, nhằm thực hiện tạo thế và tạo lực cho các đơn vị chủ lực về tác chiến, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động chỉ đạo các hướng tích cực hoạt động; tiến hành nhiều trận đánh tập kích, phục kích vào những mục tiêu nhỏ lẻ dọc Đường 11 tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch... Qua gần một tháng hoạt động, toàn LLVT tỉnh đã đánh hơn 40 trận lớn, nhỏ, diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, mở rộng địa bàn hoạt động trên Đường 11 và huyện An Phước.
Trên đèo K’rông Pha, ta phát hiện từ hướng Đà Lạt, từng toán địch khá đông đang tháo chạy xuống Phan Rang-Tháp Chàm. Không bỏ lỡ thời cơ diệt địch, Đại đội 610 và Đơn vị 311 triển khai lực lượng phục kích tại Song Mỹ chặn đánh, phá hủy 2 xe bọc thép, diệt nhiều tên. Sáng ngày 2-4, Trung đội 1 thuộc Đại đội 610 trụ lại quần bám đánh địch, diệt một số tên ngoài ấp Song Mỹ. Đến 8 giờ sáng, ta biết được thông tin địch ở quận K’rông Pha đã bỏ chạy, Cam Ranh bị mất hoàn toàn; địch ở Phan Rang-Tháp Chàm đang trong tình trạng hoảng loạn. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh quyết định để đơn vị 317A cùng bộ đội huyện và lực lượng mũi công tác Đường l1 nhanh chóng chớp thời cơ giải phóng và làm chủ Đường 11.
Các đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Ninh Thuận từ Tiền phương C được lệnh cơ động xuống Cà Đú cùng lực lượng thị xã chuẩn bị tiến công Tháp Chàm, tập kích ấp Đồng Mé, Phú Thành và đánh địch phản kích từ Đèo Cậu lên. Đúng giờ G đêm 4-4, các bộ phận đồng loạt nổ súng, các hướng tiến công đều diệt được địch, giải phóng các ấp theo nhiệm vụ được giao. Đến ngày 5-4, ta đã giải phóng hoàn toàn Đường 11 đoạn từ Đèo Cậu đến đèo K’rông Pha.
Trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên khắp các chiến trường, ngày 2-4, chính quyền Sài Gòn quyết định cấp tốc tăng quân, với ý định: “Phải giữ bằng được Sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang”. Địch quyết lập ở đây một tuyến phòng thủ mạnh, gọi là “lá chắn thép” để ngăn chặn sức tiến công của đại quân ta.
Sau khi “lá chắn thép” cơ bản được hình thành, địch dùng không quân và pháo binh điên cuồng đánh phá vào các khu vực: Đồng Mé, Phú Thạnh, Tân Mỹ, Phước Đại, Phước Trung, Phước Kháng, Phước Chiến, Du Long... nhằm ngăn chặn chủ lực ta tiến công, đánh chiếm thị xã Phan Rang và Sân bay Thành Sơn.
 |
Bộ đội Trung đoàn 896, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận luyện tập bắn súng. Ảnh: Xuân Cường.
|
Để tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tiến công phá vỡ phòng tuyến Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận, chỉ huy tỉnh đội chỉ thị cho các đơn vị đặc công, biệt động 311, 314 phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của thị xã đẩy mạnh tiến công địch ở khu vực Tháp Chàm. Đêm 7-4, các đơn vị đặc công 311, biệt động 314, đội mũi công tác thị xã cùng với lực lượng du kích và thanh niên nòng cốt trong Xóm Dừa đã bí mật tiến công khu vực Tháp Chàm, đánh chiếm và làm chủ toàn bộ hai phường: Đô Vinh, Bảo An. Đồng thời, triển khai chuẩn bị tốt mọi mặt để trụ lại sẵn sàng đánh địch phản kích. Đúng như nhận định, sáng 8-4, từ Sân bay Thành Sơn, địch dùng 3 tiểu đoàn bộ binh có máy bay, pháo binh và xe bọc thép yểm trợ, điên cuồng phản kích trên nhiều hướng hòng đánh chiếm lại hai phường: Bảo An, Đô Vinh. Lực lượng của ta chiến đấu dũng cảm, bám trụ kiên cường đã đánh lui 16 đợt phản kích của địch.
Sau khi tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng (3-4), ngày 7-4, cánh quân Duyên Hải của ta đã áp sát Ninh Thuận, bắt liên lạc với Huyện ủy Bác Ái Đông. Bộ tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã điều Sư đoàn 3-Sao Vàng thuộc Quân khu 5 và Trung đoàn 25 thuộc Quân đoàn 3 mới chi viện cho cánh quân Duyên Hải phối hợp với quân và dân địa phương bước vào chiến đấu giải phóng tỉnh Ninh Thuận.
Sáng sớm ngày 14-4, pháo binh của Sư đoàn 3-Sao Vàng đồng loạt bắn vào quân địch ở Du Long, Suối Vang, Suối Đá, làm cho quân địch náo loạn. Đến 7 giờ, lực lượng Sư đoàn 3 nhanh chóng cơ động tiến công địch, đánh chiếm quận lỵ Du Long... tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Du Long bị thất thủ, quân địch ở đây rút chạy co cụm phòng thủ tại Bà Râu, Kiền Kiền, Ba Tháp và tổ chức nhiều lần phản công nhưng đều bị ta đẩy lùi. Trong thế giằng co giữa ta và địch, Bộ tư lệnh Duyên Hải quyết định đưa Sư đoàn 325 chủ lực thuộc Quân đoàn 2 mới hành quân tới, cùng các đơn vị chủ lực Quân khu 5 và LLVT của tỉnh phối hợp thần tốc tiến công giải phóng Ninh Thuận.
Sáng 15-4, ta đánh chiếm Kiền Kiền, Ba Tháp. Ở hướng Tây và Tây Bắc sân bay, cùng với lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương Bác Ái tiến công toàn bộ khu vực phòng thủ của Trung đoàn 4. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, các mục tiêu ngoại vi sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang đã vào tay Quân Giải phóng. “Lá chắn thép” ở Ninh Thuận đang lung lay sụp đổ.
Sáng sớm 16-4, hỏa lực pháo binh của chủ lực ta tiếp tục dội bão lửa xuống các mục tiêu quan trọng của địch, sau đó lực lượng bộ binh và xe tăng hình thành ba mũi tiến công. 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, ta đánh chiếm và làm chủ toàn bộ Phan Rang, như vậy "lá chắn thép" của địch ở Phan Rang hoàn toàn bị đập tan.
MAI VĂN QUANG
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)