Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần (TCHC) xoay quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Năm 2022, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến nguồn xăng dầu nhập khẩu khó khăn, giá tăng cao. Ngành xăng dầu quân đội có giải pháp gì trong CTXD, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực. Ảnh: TRẦN TRÀ 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Sau đại dịch Covid-19, cuộc xung đột quân sự giữa Nga-Ukraine là nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước có thời điểm tăng hơn 53% so với cuối tháng 12-2021. Nghiên cứu, đánh giá, dự báo được những khó khăn trong CTXD, ngay từ đầu năm, Cục Xăng dầu và ngành xăng dầu quân đội đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Tổng cục Hậu cần, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và chỉ huy các cấp về CTXD, bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của quân đội. Đặc biệt, Cục Xăng dầu đã chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm tạo nguồn từ rất sớm, triển khai thực hiện đúng kế hoạch; tham mưu với TCHC báo cáo Bộ Quốc phòng phương án mua xăng dầu đặc chủng trong nước thay thế xăng dầu đặc chủng nhập khẩu để chủ động được nguồn hàng; chỉ đạo đơn vị sử dụng xăng dầu tiết kiệm, đẩy mạnh Phong trào thi đua “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”. Bằng các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, ngành xăng dầu quân đội đã chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Có thể thấy, trong khó khăn, thử thách, CTXD vẫn bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chất lượng. Đây là minh chứng cho công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, triển khai của ngành xăng dầu quân đội?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp CTXD là một trong những nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ, cơ quan xăng dầu các cấp. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác này càng đòi hỏi tính chủ động, tích cực, sáng tạo. Việc tham mưu, đề xuất chủ trương, giải pháp của đội ngũ cán bộ, cơ quan xăng dầu được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là vấn đề then chốt để ngành xăng dầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm. Điều này có được bởi suốt thời gian qua, Cục Xăng dầu và ngành xăng dầu quân đội luôn chú trọng công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành xăng dầu và cơ quan xăng dầu các cấp, bảo đảm đơn vị vững mạnh toàn diện, "mẫu mực, tiêu biểu", đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ phẩm chất, năng lực, khả năng tư duy, dự báo, tham mưu, đề xuất đúng, trúng, hiệu quả.

PV: Công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xăng dầu và cơ quan xăng dầu các cấp được Cục Xăng dầu và ngành xăng dầu thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Những năm qua, Cục Xăng dầu luôn nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác huấn luyện nghiệp vụ xăng dầu cho các đơn vị toàn quân sát với từng nhiệm vụ, loại hình đơn vị và các loại phương tiện kỹ thuật; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ trì ngành xăng dầu, tập trung vào nâng cao chất lượng công tác ngành, dự báo, tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, bảo đảm xăng dầu và công tác quản lý chất lượng xăng dầu; công tác mua sắm tạo nguồn, quản lý sử dụng và thanh quyết toán... 

Ngay từ đầu năm 2022, Cục Xăng dầu đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác huấn luyện nghiệp vụ xăng dầu, trọng tâm là tổ chức tập huấn xăng dầu toàn quân cùng với tập huấn hậu cần toàn quân và tổ chức hội thi trưởng ban xăng dầu sư đoàn; vùng hải quân, cảnh sát biển toàn quân. Theo kế hoạch, thời gian tới, Cục Xăng dầu sẽ tổ chức hội thi nhằm đánh giá nhận thức và việc vận dụng nguyên tắc, lý luận vào CTXD; củng cố và nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, chỉ đạo và thực hiện CTXD thường xuyên cũng như sẵn sàng chiến đấu vào hoạt động thực tế của đội ngũ cán bộ xăng dầu nói chung và trưởng ban xăng dầu nói riêng, nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ làm CTXD các cấp.

Kho 661 (Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) diễn tập chữa cháy bể xăng dầu tại Phân kho 14. Ảnh: HỒNG QUANG 

PV: Hiện nay, Cục Xăng dầu đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong CTXD, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực: Năm 2022, Cục Xăng dầu được TCHC chọn làm điểm về đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác ngành. Đây là nhiệm vụ mới và khó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị rất cao. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chỉ huy Cục Xăng dầu đã ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đến nay, Cục Xăng dầu đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ các phòng, ban cơ quan cục về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong Cục Xăng dầu và ngành xăng dầu quân đội. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong TCHC và Bộ Quốc phòng củng cố, triển khai đường truyền số liệu quân sự đến các cơ quan, đơn vị; 100% cán bộ, nhân viên cơ quan Cục Xăng dầu được cấp tài khoản Hệ thống tin quản lý, chỉ đạo điều hành của TCHC, của Cục Xăng dầu, thực hiện lịch công tác không giấy; triển khai khảo sát, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các kho chiến lược, từng bước kết nối đường truyền về sở chỉ huy Cục Xăng dầu và TCHC phục vụ công tác quản lý, chỉ huy điều hành; xây dựng và triển khai phần mềm quản lý xăng dầu toàn quân và đang thí điểm sử dụng phần mềm ở một số đơn vị; xây dựng trung tâm điều hành phục vụ cho công tác chuyển đổi số... Thời gian tới, Cục Xăng dầu sẽ đánh giá hiệu quả sử dụng, điều chỉnh, bổ sung để triển khai trong toàn quân.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HUY PHONG (thực hiện)