Lực lượng tự vệ ngành y tế tỉnh Hà Tây thực hành cứu chữa thương binh trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Ảnh: TUYÊN HUẤN

Nhìn trên bảng thống kê, năm 1996, lực lượng DQTV của tỉnh Hà Tây chiếm tỷ lệ 2,4% dân số, nhưng đến nay con số đó chỉ còn 1,6% (giảm 0,8%). Nếu chỉ chú ý đến số liệu đơn thuần thì đây là sự giảm đáng lo ngại. Thế nhưng theo Đại tá Phí Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tây thì đó là tín hiệu đáng mừng. Phương châm tổ chức, sắp xếp lực lượng DQTV của Hà Tây là “vững mạnh, rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao". Xét tổng thể tỷ lệ DQTV của Hà Tây là 1,6% nhưng quy mô tổ chức ở từng vùng, từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp lại không giống nhau. Cơ sở để Hà Tây xác định quy mô là tình hình nhiệm vụ, phương án phòng thủ của tỉnh và từng địa phương, phương án tác chiến của từng cơ sở.

Thực tế ở các huyện Thường Tín, Quốc Oai và TP Hà Đông cho thấy chất lượng chính trị luôn được các địa phương đặt lên hàng đầu, đặc biệt là độ tin cậy, là uy tín trước nhân dân. Các xã, phường, thị trấn tổ chức bình chọn dân quân theo quy trình thống nhất, chặt chẽ. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trong DQTV của Hà Tây chiếm 15,1%, đoàn viên chiếm 46,5%. Gần 20% quân nhân phục viên, xuất ngũ được các địa phương huy động làm nòng cốt cho lực lượng DQTV. Lực lượng dân quân cơ động, DQTV phòng không và các phân đội binh chủng chiến đấu đòi hỏi cao hơn về chất lượng.

Hà Tây đặt ra yêu cầu phải phát huy cao độ vai trò của cán bộ DQTV trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng. Một biện pháp quan trọng để đạt được yêu cầu ấy, là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DQTV. Năm 2002, Bộ Quốc phòng đã chọn Hà Tây làm điểm về công tác đào tạo chỉ huy trưởng quân sự, xã, phường, thị trấn sau đó tổ chức rút kinh nghiệm để chỉ đạo toàn quốc. Từ đó đến nay đã có 4 khóa đào tạo chỉ huy trưởng quân sự, xã, phường được tổ chức tại Hà Tây. Số cán bộ được đào tạo về công tác ở địa phương đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Hà Tây là tỉnh sớm vận dụng thực hiện Pháp lệnh DQTV. Ngay từ năm 1997, sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua, Hà Tây đã thực hiện chức danh xã đội phó chuyên trách. Cho đến 2004, sau khi có Nghị định của Chính phủ, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc biên chế chức danh Phó chỉ huy trưởng quân sự chuyên trách ở 322 xã, phường, thị trấn.

Khi chưa có Pháp lệnh, ở một số cơ sở có tình trạng cán bộ DQTV thiếu nhưng không được bổ sung kịp thời gây ảnh hưởng đến công tác quân sự địa phương. Từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh, Hà Tây thường xuyên quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn Ban CHQS cấp xã, phường, thị trấn và Ban CHQS các đơn vị tự vệ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo phân cấp, UBND các huyện đã bổ nhiệm 6.275 lượt cán bộ DQTV, UBND tỉnh đã bổ nhiệm 30 cán bộ quân sự địa phương. Cùng với động viên, khích lệ tạo điều kiện để cán bộ tự học, tham quan học hỏi kinh nghiệm, Hà Tây đã chủ động mở hàng chục lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức công tác quân sự cơ sở cho gần 17.000 lượt cán bộ DQTV. Đặc biệt thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Hà Tây đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm CTĐ, CTCT trong công tác quân sự ở cơ sở xã, phường. Để giải quyết những thiếu sót được chỉ ra từ hội nghị, Hà Tây đã mở ngay một lớp tập huấn nghiệp vụ CTĐ, CTCT cho 318 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chính trị viên Ban CHQS cơ sở.

Những ngày cuối tháng 6 này, các cơ sở DQTV của Hà Tây vẫn sôi nổi huấn luyện. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo trước khi sáp nhập về Hà Nội, 100% các cơ sở DQTV của Hà Tây hoàn thành kế hoạch huấn luyện năm 2008. Hằng năm, Hà Tây huấn luyện cho DQTV đạt từ 92,6 đến 96,4%. Lực lượng DQTV cơ động và DQTV phòng không được tập trung chỉ đạo nên quân số trung bình đạt 98,3%. Năm trước, chúng tôi có dịp về xã Thạch Hòa huyện Thạch Thất tham quan cuộc diễn tập thực nghiệm do lực lượng dân quân xã phối hợp với Đơn vị 47 (Quân khu Thủ Đô) tiến hành. Tận mắt chứng kiến các động tác kỹ thuật, chiến thuật của các chiến sĩ dân quân chúng tôi hiểu họ được huấn luyện rất kỹ, năng lực chỉ huy hiệp đồng của cơ quan quân sự và khả năng SSCĐ của lực lượng dân quân cơ sở là khá tốt. Nhưng theo Thượng tá Nguyễn Văn Thực, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh thì cái được đáng nói hơn là qua diễn tập nâng cao được năng lực lãnh đạo của cấp ủy, vai trò quản lý, điều hành của chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành.

Huấn luyện tốt là cơ sở để lực lượng DQTV Hà Tây nâng cao hiệu quả hoạt động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền cơ sở và tổ chức chỉ huy của cơ quan quân sự các cấp, lực lượng DQTV Hà Tây đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây ghi nhận hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; trong quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng; trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn… Những việc làm tốt đẹp của các chiến sĩ “sao vuông” Hà Tây đã để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu, mến phục.

QUANG THẮNG