Chúng tôi đến Lữ đoàn Công binh 299 vào một ngày nắng nóng gần 40 độ C. Gần trưa, người ngồi trước quạt vẫn toát mồ hôi, thế nhưng, hoạt động huấn luyện của đơn vị vẫn diễn ra rất nghiêm túc. Trong giờ giải lao, chúng tôi gặp, trò chuyện với các chiến sĩ trẻ Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1.
Lê Quang Huy, 23 tuổi, nhà ở phố Hàm Tử Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Phương Đông. Đang trong thời gian thử việc tại một ngân hàng thì có giấy gọi nhập ngũ, Huy tạm dừng công việc để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Huy tâm sự rằng đã có người yêu là bạn học cùng thời THPT, dự định cuối năm nay sẽ tổ chức lễ cưới. Trước khi lên đường nhập ngũ, Huy nói chuyện với người yêu về nguyện vọng, mong muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình. Lúc đầu, cô gái cũng khóc lóc, buồn lắm nhưng rồi vẫn quyết định chờ đợi người yêu. Huy kể: “Mới đầu xa nhau, mình thấy rất nhớ bạn gái, thêm việc chưa quen với môi trường, kỷ luật quân đội nên cũng có chút chán nản. Thế nhưng, bạn gái thường xuyên động viên mình cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ nên những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng qua đi”.
Chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 299 trò chuyện trong giờ giải lao.
“Đi bộ đội được mấy tháng mà em khỏi được bệnh đau đầu!”, chiến sĩ trẻ Dương Hồng Nam phấn khởi khoe. Nam năm nay 19 tuổi, nhà ở phố Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước khi nhập ngũ, Nam đã học và làm nghề sửa chữa xe gắn máy. Thế nhưng, Nam lại ham chơi game đến nỗi thường xuyên thức tới 1, 2 giờ sáng, ăn uống cũng thất thường. Chơi game nhiều lại ngủ ít nên Nam thường xuyên đau đầu, lúc nào cũng thấy mệt mỏi. “Từ khi vào đơn vị, sinh hoạt, rèn luyện theo nền nếp, em hết đau đầu rồi, người lại khỏe hơn nhiều, không còn “công tử bột” nữa. Lúc đầu, em cũng nhớ game và điện thoại lắm, nhưng giờ cai được game hẳn rồi đấy”-Nam cười, nói.
Ngày Nam quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ, bố mẹ còn tưởng Nam nói đùa. Đến khi bố mẹ đến đơn vị thăm, thấy cậu con trai vốn ham chơi, giờ chững chạc, rắn rỏi, lại thấy môi trường rèn luyện, sinh hoạt ở đơn vị tốt thì rất yên tâm và tin tưởng con sẽ trưởng thành hơn.
Nhớ đến chàng lính trẻ Nguyễn Thanh Sơn và câu chuyện “một tháng không ăn rau”, tôi lại bật cười. Sơn vốn là trai phố cổ, nhà ở phố Hàng Ngang (Hà Nội). Tuy cũng ham chơi nhưng vì chỉ ở Hà Nội, lại ít để ý, tiếp xúc với thực tế nên khi vào sống trong môi trường quân đội, Sơn đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, nhất là chuyện, cậu thấy rau ở đơn vị được bón phân nên không dám ăn. “Mình chỉ nghĩ đơn giản là rau được trồng xuống đất sẽ tự lớn, chỉ thỉnh thoảng tưới nước thì sẽ tươi tốt nhanh hơn, vậy mới là rau sạch. Thế nên, khi thấy rau được bón phân, mình sợ và cả tháng không động vào cọng rau nào. Chỉ đến khi người bị nóng quá, ngứa và phát ban hết lên, rồi được cán bộ quân y giải thích rõ ràng, khuyên ăn uống khoa học, đủ chất thì mình mới yên tâm ăn rau. Giờ mình thấy may mắn vì trong khi nhiều người sợ thực phẩm ngoài chợ không an toàn, chúng mình ở đơn vị được ăn toàn thực phẩm sạch”-Sơn nói.
Sơn còn kể thêm, trước khi nhập ngũ, Sơn thường để tóc dài, nhuộm màu, tạo kiểu như mấy ca sĩ nổi tiếng. Đến lúc vào đơn vị, dù đã xác định tinh thần là không được để kiểu tóc cũ, nhưng Sơn vẫn chưa quen với kiểu tóc “3 phân” theo quy định. Sơn thổ lộ: “Ban đầu, mình không thích kiểu tóc mới lắm, nhưng sau đó thấy các anh em đều để tóc như vậy thì cũng quen hơn. Bây giờ, mình thấy kiểu tóc này rất mát mẻ, gội đầu lại nhanh, không lo chăm sóc cầu kỳ như tóc cũ”.
So với các chiến sĩ mới, Lã Chí Vỹ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 8, Trung đội 5, Đại đội 2 chững chạc hơn rất nhiều vì đã có thời gian gần 2 năm trong quân ngũ. Nhớ lại những ngày đầu mới khoác lên mình bộ quân phục, chàng thanh niên gốc Hà Nội cũng thấy mọi thứ lạ lẫm so với cuộc sống hằng ngày ở nhà. Vỹ chia sẻ: “Hồi đầu vào đơn vị, mẹ mình đến thăm thấy con gầy, đen thì rất xót, nhưng bố thì lại rất vui vẻ, ủng hộ, động viên con trai cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ”. Là người đi trước, nhiều kinh nghiệm hơn nên Vỹ hiểu rõ những khó khăn của các chiến sĩ mới. Vì vậy, Vỹ luôn cố gắng tìm hiểu tâm tư, tình cảm của anh em trong tiểu đội để động viên, giúp đỡ kịp thời. Những lúc huấn luyện cần nghiêm túc, kỷ luật nhưng ngoài giờ huấn luyện thì Vỹ luôn gần gũi, thân thiết với anh em, tạo không khí vui vẻ, thoải mái. Lã Chí Vỹ tâm sự: “Thời gian đầu mới vào đơn vị, mình không biết làm gì cả, nhưng bây giờ, từ những việc nhỏ nhất như khâu vá quần áo cũng thành thạo rồi”.
Tâm sự với các chiến sĩ trẻ, chúng tôi nhận thấy, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một niềm tự hào khi được thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Ở môi trường quân đội, các chàng “công tử bột” Hà thành đã có chuyển biến tích cực về thể lực, trưởng thành hơn về suy nghĩ, nhận thức trong quá trình học tập và rèn luyện.
Bài và ảnh: THU HÒA