Nước thải do các cơ sở sửa chữa, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), đặc biệt là dây chuyền nhuộm đen súng, pháo có chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó có hóa chất ni-tơ-rít nát-ri (NaNO­­2) độc tính cao, thường chiếm từ 5% đến 10%. Ở nhiều cơ sở sửa chữa, bảo quản VKTBKT chưa có các hệ thống xử lý hiệu quả các loại nước thải nhiễm dầu, mỡ và nước thải từ dây chuyền nhuộm đen súng, pháo.

Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ môi trường (Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự-Bộ Quốc phòng) đã chủ trì nghiên cứu khảo sát và xây dựng giải pháp công nghệ để xử lý nước thải trong các dây chuyền nhuộm đen súng, pháo. Đại tá-Giáo sư-TSKH Đỗ Ngọc Khuê, Phó phân viện trưởng và các đồng tác giả: Thạc sĩ Tô Văn Thiệp, TS Đinh Ngọc Tấn, cùng một số cộng sự thực hiện. Công nghệ xử lý nước thải dựa trên nguyên lý sử dụng tác nhân ô-xy hóa chuyển ni-tơ-rít thành ni-tơ-rát, sau đó bằng giải pháp vi sinh kết hợp phân hủy tiếp ni-tơ-rát. Quy trình công nghệ gồm các giai đoạn chính: Xử lý cơ học, xử lý hóa học, xử lý sinh học. Ban đầu nước thải đưa qua các hố ga, lưới lọc để loại bỏ đất, đá, cát và các loại rác vô cơ, hữu cơ, sau đó chuyển vào bể thu gom và các bình phản ứng có máy khuấy, sử dụng a-xít sun-phu-ríc điều chỉnh độ pH của nước thải về trị số khoảng 7,5-8,0. Dùng muối kiềm (NaOCl) với liều lượng được tính toán trước để ô-xy hóa ni-tơ-rít thành ni-tơ-rát. Giai đoạn xử lý sinh học thực hiện trong các bể phản ứng kỵ khí và hiếu khí kết hợp, có hệ thống cấp khí tuần hoàn và bùn hoạt tính. Để tăng tốc độ phân hủy ni-tơ-rát, các nhà khoa học nghiên cứu bổ sung một số chế phẩm vi sinh chuyên dụng. Giai đoạn xử lý vi sinh kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Nước thải sau xử lý sinh học được chuyển qua hệ thống lắng rồi thải ra môi trường.

Công nghệ xử lý nước thải cho các cơ sở bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT và dây chuyền nhuộm đen súng, pháo đã áp dụng ở nhiều đơn vị trong toàn quân từ nhiều năm nay và cho kết quả tốt. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải từ dây chuyền nhuộm đen súng, pháo với lưu lượng 20 đến 30m3/ca sản xuất cần xây dựng hệ thống bể thu gom, xử lý vi sinh với tổng dung tích hàng trăm mét khối. Để lắp đặt công nghệ cần phải có sự đầu tư ban đầu khá lớn, do đó các hệ thống xử lý nước thải đã triển khai chưa được xây dựng ở mức độ hoàn chỉnh. Việc xử lý mới chỉ giới hạn ở việc chuyển chất độc hại ni-tơ-rít thành chất ít độc hơn và giảm một phần ni-tơ-rát sinh ra bằng phân hủy vi sinh bổ trợ.

HƯƠNG HỒNG THU