Lựu đạn chạm nổ là loại vũ khí đặc chủng, có thiết kế đặc biệt, rất nhạy nổ khi chất lượng còn tốt nhưng rất khó kích nổ bằng lượng thuốc mồi nổ bên ngoài. Do có uy lực chiến đấu cao, nên lựu đạn chạm nổ trang bị phổ biến trong quân đội các nước. Hiện nay, lựu đạn chạm nổ phát triển rất đa dạng, nhiều kiểu loại, do các nhà máy chế tạo vũ khí khác nhau trên thế giới sản xuất với số lượng lớn. Khi lựu đạn chạm nổ kém chất lượng, cần phải hủy bỏ, việc xử lý rất nguy hiểm, nhất thiết phải có quy trình công nghệ xử lý phù hợp, ổn định, bảo đảm độ an toàn cao.

Thực tế trong việc xử lý các loại vũ khí đặc chủng kém chất lượng (cấp 5) của quân đội ta những năm qua, lựu đạn chạm nổ chiếm số lượng lớn, có năm lên tới 90%. Số lượng lựu đạn chạm nổ do Mỹ và một số nước khác sản xuất, sử dụng trên chiến trường nước ta trước đây, được quân đội ta thu hồi về các đơn vị, hoặc dò tìm được, nay đã rất kém chất lượng, cần phải xử lý. Để bảo đảm an toàn, Cục Kỹ thuật (Binh chủng Đặc công) đã nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý lựu đạn chạm nổ kém chất lượng và được Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt, áp dụng.

Quy trình bao gồm các nội dung: Chuẩn bị con người; chuẩn bị bãi hủy; phân loại các loại lựu đạn chạm nổ cần xử lý; cách bố trí, sắp xếp hố hủy và tính toán số lượng lựu đạn cần hủy trong mỗi hố; quy định về định mức thuốc nổ, cách gói buộc kết cấu khối thuốc nổ và bố trí lượng nổ mồi; kiểm tra thực địa trước và sau khi tiến hành hủy vũ khí. Công đoạn chuẩn bị về con người giữ vai trò quyết định. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật thực hiện việc xử lý lựu đạn chạm nổ phải được học tập, nắm chắc tính năng kỹ thuật, chiến thuật, kết cấu của vũ khí, các yếu tố bảo đảm an toàn, đặc biệt là huấn luyện thao tác thành thạo các động tác, quy trình công nghệ xử lý lựu đạn chạm nổ. Việc bố trí, sắp xếp các hố hủy, điều chỉnh kích thước và số lượng lựu đạn mỗi hố hủy phải được tính toán kỹ lưỡng. Cách bố trí thuốc kích nổ, khối lượng thuốc, cách gói buộc kết cấu khối thuốc kích nổ phải theo quy trình ổn định, hợp lý. Mỗi công đoạn của quy trình xử lý đều phải được cán bộ có thẩm quyền, chỉ huy nhiệm vụ kiểm tra. Khi thật sự bảo đảm an toàn mới ra lệnh phát nổ. Sau hủy, cán bộ, nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời các tình huống bất trắc, hoặc vũ khí sót lại chưa được hủy hết. Kết thúc nhiệm vụ, các lực lượng chức năng phải có biên bản đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ và được chỉ huy cơ quan thẩm quyền xác nhận.

Quy trình công nghệ xử lý lựu đạn chạm nổ do Cục Kỹ thuật Binh chủng Đặc công triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện. Qua thực tế xử lý đã từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Sau hơn 5 năm thực hiện quy trình công nghệ, hàng chục tấn lựu đạn chạm nổ kém chất lượng đã được các đội xử lý chuyên trách xử lý hoàn toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đức Giang