Ngụy trang điện tử là một thành phần không thể thiếu trong hoạt động tác chiến điện tử, sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngụy trang truyền thống và hiện đại bằng các loại vật liệu, trang bị kỹ thuật, phương tiện điện tử công nghệ cao. Trong lĩnh vực quân sự, ngụy trang điện tử được sử dụng rộng rãi, chủ yếu nhằm che giấu mục tiêu, vũ khí trang bị kỹ thuật, tránh sự phát hiện của ra-đa và các phương tiện trinh sát điện tử của đối phương.  

Trong các cuộc chiến tranh gần đây, vũ khí công nghệ cao được sử dụng với số lượng ngày càng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vũ khí, phương tiện kỹ thuật được huy động. Hiệu quả tác chiến của vũ khí công nghệ cao luôn gắn liền với việc trinh sát, chỉ thị mục tiêu chính xác. Để làm giảm thiệt hại hoặc vô hiệu hóa các cuộc tiến công bằng vũ khí công nghệ cao, quân đội các nước đã nghiên cứu ứng dụng rất nhiều giải pháp, trong đó thường xuyên chú trọng phát triển công nghệ ngụy trang hiện đại, nhất là ngụy trang điện tử. 

Sản phẩm trận địa tên lửa và lưới ngụy trang từ Chương trình KCB-01 do các nhà máy quốc phòng của Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hương Hồng Thu.

Ngụy trang điện tử có hai dạng: Chủ yếu là ngụy trang chủ động và ngụy trang thụ động. Ngụy trang chủ động là sử dụng các biện pháp để đánh lừa, vô hiệu hóa các phương tiện trinh sát của đối phương như thiết lập các hệ thống mạng thông tin giả, các trận địa giả, gây nhiễu, tạo màn khói; thiết kế kết cấu, hình dáng phù hợp nhằm chống lại ra-đa và các phương tiện trinh sát điện tử... Quân đội Mỹ đã sử dụng các thiết bị trinh sát hiện đại được ngụy trang kỹ lưỡng theo hình thù các loài sinh vật trên chiến trường để trinh sát đối phương mà đối phương không thể phát hiện được. Các loại máy bay chiến đấu tàng hình F-117, B-2 của Mỹ; xe tăng thế hệ mới như xe tăng Merkava-4 của I-xra-en, AMX-30DFC của Pháp; tàu chiến tàng hình La Fayette (Pháp), Visby (Thụy Điển)... là những vũ khí, phương tiện ứng dụng công nghệ ngụy trang điện tử chủ động bằng giải pháp cải tiến thiết kế mới, tạo cho vũ khí, phương tiện có hình dáng đặc biệt, làm giảm tín hiệu bức xạ ra-đa, sóng điện từ. Xe tăng Merkava-4 có thân to, tháp pháo nhỏ, dẹt, không có tháp chỉ huy cho trưởng xe, diện tích chính diện của tháp pháo nhỏ hơn một mét vuông và chỉ bằng khoảng 50% diện tích của các xe tăng chiến đấu chủ lực khác. Xe tăng chiến đấu tàng hình AMX-30DFC có hình dáng bên ngoài bằng phẳng, không có thiết bị treo phức tạp, tiết diện của vỏ giáp thân xe kiểu nghiêng lệch về phía trong, các mặt của tháp pháo đều thiết kế theo hướng lệch ra ngoài. Thụy Điển đã cải tiến xe tăng STRV bằng cách bỏ tháp pháo, chiều cao từ gầm xe đến đỉnh chỉ còn 1,9m, diện tích bộc lộ phía đầu và hướng chính diện rất nhỏ, khó bị phát hiện bởi các thiết bị trinh sát điện tử.

Ngụy trang điện tử thụ động là sử dụng các biện pháp không tác động đến phương tiện trinh sát của đối phương, phổ biến hiện nay là dùng vật liệu hấp thụ bức xạ điện từ, sơn phủ, che chắn khí tài điện-điện tử. Vật liệu ngụy trang điện tử đang được quân đội các nước chú trọng nghiên cứu phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều chủng loại khác nhau. Vật liệu polyme điện từ mới phát triển gần đây có kết cấu đa dạng, đặc tính cơ lý-hóa học độc đáo, có khả năng hấp thụ sóng điện từ rất cao. Vật liệu hấp thụ sóng ra-đa kiểu mới, sử dụng sợi xen-lu-lô thép đa tinh thể, có khả năng hấp thụ ra-đa từ tính, hiệu quả cao trong băng tần rất rộng, trong khi trọng lượng giảm tới 40 đến 60%, khắc phục được khuyết điểm quá nặng của đa số vật liệu hấp thụ từ tính hiện có. Lục quân Anh phát triển loại vật liệu K-RAM có khả năng hấp thụ sóng ra-đa. Một số nước NATO đã phát triển loại vật liệu phức hợp Chiral có thể làm giảm phản xạ của sóng điện từ chiếu vào, đồng thời có thể hấp thụ sóng điện từ.

Vật liệu na-nô mét ứng dụng vào ngụy trang đang được quân đội các nước quan tâm đặc biệt. Vì hạt na-nô mét có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bước sóng của tia hồng ngoại và sóng ra-đa nên tính truyền sóng qua và tỷ lệ hấp thụ sóng điện từ lớn hơn nhiều so với các loại vật liệu thông thường, đặc biệt nó có đặc tính tổn hao từ lớn, sử dụng làm vật liệu ngụy trang điện tử hữu hiệu. Vật liệu hấp thụ sóng điện từ đã được ứng dụng để phát triển các tấm lưới ngụy trang tiên tiến để bảo vệ xe tăng và các mục tiêu quan trọng, như lưới ngụy trang cơ động Barracuda  do hãng Xa-áp (Thụy Điển) phát triển, có khả năng hấp thụ sóng điện từ, làm giảm dấu hiệu ra-đa của các xe chiến đấu tới 90%.

Sơn phủ ngụy trang điện tử là giải pháp tiên tiến và chống trinh sát điện tử rất hiệu quả. Viện Nghiên cứu thiết bị kỹ thuật hàng không của Nga (ITAE) đã phát triển thành công loại sơn hấp thụ sóng ra-đa tính năng cao để phủ bề mặt máy bay chiến đấu hiện đại Su-35. Loại sơn này khi phủ một lớp dày khoảng 0,7mm và 1,4mm lên bề mặt của đường ống dẫn khí và một lớp dày 0,5mm phủ bề mặt phía trước của máy nén áp suất, đã làm giảm gần một nửa tiết diện phản xạ ra-đa (RCS) của các cửa khí. Mỹ cũng phát triển loại sơn hấp thụ sóng ra-đa mới Iron Ball sử dụng vật liệu từ tính ferro-magnetic dùng cho máy bay chiến đấu F-22. Quân đội Đức đã ứng dụng loại sơn hấp thụ sóng ra-đa tiên tiến để ngụy trang cho các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.

Giang Hồng Cương