QĐND - Công nghệ na-nô (nano) hiện nay đang được quân đội các nước ứng dụng mạnh mẽ để chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự. Chúng được triển khai dưới nhiều dự án bí mật. Việc thiết kế, chế tạo, cải tiến các trang thiết bị quân sự sử dụng công nghệ na-nô đã và đang tạo ra các loại vũ khí tối tân với những tính năng kỹ thuật, chiến thuật vượt trội so với vũ khí thông thường.

Quân phục sử dụng vật liệu na-nô của Mỹ. Ảnh sưu tầm.

Mỹ hiện đã chế tạo loại quân phục sử dụng cho binh lính tác chiến trong các vùng nhiễm độc hóa học, được dệt từ các sợi cực mảnh, cho phép không khí đi qua nhưng ngăn được hơi độc. Ngoài ra, loại quân phục này còn có khả năng chống đạn và sức ép của các loại vật liệu nổ. Nhờ công nghệ na-nô, có thể tạo ra các loại vũ khí siêu nhỏ song lại có độ chính xác rất cao trong hệ thống vũ khí công nghệ cao. Sử dụng vật liệu na-nô có thể chế tạo được các loại linh kiện, bộ phận có kích thước na-nô mét nhưng đạt độ siêu cứng, siêu bền. Công nghệ na-nô là cơ sở để phát triển các hệ thống vi xử lý, các bộ nhớ trong các hệ thống điều khiển vũ khí, khí tài, trong các thiết bị phát thu vô tuyến của ra-đa, tên lửa, máy bay, tàu chiến làm cho các loại vũ khí này phát triển lên trình độ mới.

Do tạo nên tiềm năng lớn về sức mạnh quân sự, nên các nước trên thế giới đang có cuộc chạy đua sôi động về phát triển và ứng dụng công nghệ na-nô. Một số cường quốc đang chiếm lĩnh thị trường công nghệ na-nô gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Nga và một số nước khác. Ở những quốc gia trên, chính phủ dành một khoản ngân sách đáng kể hỗ trợ cho việc nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn của ngành công nghệ na-nô. Không chỉ các trường đại học có các phòng thí nghiệm với các thiết bị nghiên cứu quy mô mà các tập đoàn sản xuất cũng tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ na-nô với các phòng thí nghiệm với tổng chi phí nghiên cứu tương đương với ngân sách chính phủ dành cho công nghệ na-nô.

Ở Việt Nam, tuy chỉ mới tiếp cận với công nghệ na-nô trong những năm gần đây nhưng cũng có những bước chuyển tạo ra sức hút mới đối với lĩnh vực đầy cam go, thử thách này. Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách khá lớn cho chương trình nghiên cứu công nghệ na-nô cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu, cả trong và ngoài quân đội.

Đỗ Văn Trưởng