Đóng quân ở địa hình khá hiểm trở, điều kiện sinh hoạt khó khăn, song bằng tình yêu nghề nghiệp, trách nhiệm với công việc, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 (Đơn vị H91, Đoàn B65, Quân chủng Phòng không-Không quân) không những hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chuyên môn mà còn “viết” nên nhiều câu chuyện kỳ thú.

Vườn rau trên núi

Chúng tôi đến Trạm ra-đa 16 vào một ngày đầu tháng 3-2009. Trạm nằm trên độ cao gần 500m so với mặt nước biển. Chiếc U-oát chở chúng tôi khó khăn lắm mới có thể bò qua được hơn 1,5km đoạn đường đèo dốc để vào trạm. Đại úy Nguyễn Việt Phương, Trạm trưởng Trạm ra-đa 16 cho chúng tôi biết:

- Trước đây, khi chưa làm đường, mùa nắng còn dễ đi, còn mỗi lúc trời mưa, đất sạt lở, bùn nhão, trơn trượt, việc lên trạm trở nên hết sức khó khăn. Năm 2004, nhờ sự giúp đỡ của UBND tỉnh Lạng Sơn, huyện Cao Lộc hỗ trợ hơn 300 tấn xi măng, trạm chúng tôi đã làm được 1,5km đường bê tông lên trạm. Giờ đây việc đi lại của cán bộ, chiến sĩ ở trạm trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Tôi được biết, địa bàn đóng quân của bộ đội ra-đa thường trên núi cao. Bởi vậy, tôi nghĩ trên trạm chắc chỉ đủ chỗ để bộ đội thay nhau làm nhiệm vụ. Nhưng thật bất ngờ, nơi ở, nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 đều rất ngăn nắp, gọn gàng. Lối đi nhỏ dẫn lên vọng gác cao nhất cũng được xây thành bậc thang. Đặc biệt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tận dụng triệt để diện tích đất xung quanh trạm trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm, tạo dựng những vườn hoa đủ màu sắc.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hoa trong khuôn viên của trạm, Đại úy Nguyễn Việt Phương tự hào nói:

- Tuy đóng quân trên núi cao, nhưng chúng tôi vẫn có đầy đủ rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, thậm chí có cả hoa tươi, cây xanh tạo bóng mát. Điều đặc biệt thú vị: Nắng, gió càng khắc nghiệt, bồn hoa, cây cảnh, vườn rau ở đây dường như càng thêm xanh tốt.

Nói nghe đơn giản, nhưng để có đất màu “canh tác”, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tổ chức “chiến dịch” hạ vườn (đào sâu đất cằn ở vườn tăng gia từ 15cm đến 20cm, đổ đất làm bờ chắn sau đó đưa đất màu lên làm vườn tăng gia). Bắt đầu từ một vườn nhân ra nhiều vườn nên những khoảng đất cằn cỗi quanh doanh trại trước đây giờ trở thành các vườn tăng gia màu mỡ. Khu vực vườn tăng gia có đường đi lại thuận tiện cho việc chăm bón, kiểm tra và thu hoạch. Hệ thống tưới tiêu được xây dựng hoàn chỉnh, từ khâu lấy nước đưa lên bồn chứa trung tâm và dẫn đến từng bể chứa ở các vườn theo quy trình bán tự động.

Đại úy Nguyễn Việt Phương giải thích thêm:

- Trước đây việc tổ chức tăng gia sản xuất ở đơn vị gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, bữa ăn của anh em không ổn định. Nhiều khi có tiền cũng không mua được rau xanh, thực phẩm, vì đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi mang tính tự cấp, tự túc. Muốn mua thực phẩm, chúng tôi phải đi hơn 20km mới đến chợ. Để nâng cao chất lượng cuộc sống bộ đội, không còn cách nào khác là phải tự tăng gia để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để tổ chức tăng gia được, vấn đề quan trọng hơn là phải biết cách chọn giống tốt. Ngoài giống rau do Trung tâm khuyến nông tỉnh cung cấp, chúng tôi phát động phong trào: Sau mỗi kỳ nghỉ phép, đi tranh thủ, khi lên đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ góp thêm những hạt rau giống mới để trồng thử nghiệm và nhân rộng. Qua quá trình chọn lọc, đến nay nhiều loại rau như su hào, bắp cải, cà rốt… không những trụ vững trên mảnh đất này mà còn cho năng suất cao.

Đất không phụ công người, đến nay toàn đơn vị có môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Màu xanh ấy, cảnh quan ấy được chắt từ những giọt mồ hôi của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên điểm cao này.

Gắn bó nghĩa tình quân dân

Càng tìm hiểu, chúng tôi càng cảm phục những điều mà cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 đã tạo dựng được trên đỉnh điểm cao này. Hiệu quả lớn nhất chính là các anh đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con đồng bào Nùng, Tày ở đây. Chính từ những vườn rau trên núi đã giúp các anh vận động thành công đồng bào trồng lúa nước. Cách làm đó giúp đồng bào thoát nghèo, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu.

Chúng tôi được biết, trước đây, người dân trên địa bàn Trạm ra-đa 16 đóng quân không chỉ thiếu phương tiện, mà kinh nghiệm trong phát triển sản xuất còn hạn chế, nên hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao. Từ thực tế ấy, lãnh đạo Trạm ra-đa 16 quyết tâm giúp bà con vượt khó bằng cách khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, nhất là việc cải tạo ruộng bậc thang để trồng lúa nước hai vụ. Đến nay, sau nhiều năm kiên trì vận động, cùng với việc tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trên vùng biên cương Tổ quốc.

Ông Lăng Văn Eng, dân tộc Nùng, nhà ở gần Trạm ra-đa 16 cho biết:

- Chúng tôi luôn coi cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 như những người thân của mình, cùng chung sức bảo vệ vùng biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16 luôn có mặt kịp thời giúp đỡ.

Thật khó có thể nói hết những tình cảm mà người dân dành cho cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 16. Họ đã góp phần xây đắp và thắt chặt tình nghĩa quân dân, tạo nên sức mạnh giữ vững đất trời của Tổ quốc.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH