 |
Cán bộ, chiến sĩ đoàn 70 (Binh đoàn 12) đang vận chuyển hàng ngàn mét vuông đất đá. Ảnh: Xuân Gụ
|
Quân đội ta vinh dự được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quan trọng xây dựng con đường mới mang tên “Đường tuần tra biên giới”. Đây sẽ là con đường góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước bạn láng giềng mang ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt: quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội, văn hóa và lịch sử. Con đường cũng sẽ đạt nhiều kỷ lục nhất so với tất cả các tuyến đường hiện có ở Việt Nam: dài nhất, nhiều đèo dốc nhất, ở độ cao nhất, thời gian xây dựng lâu nhất, nhiều khó khăn, gian khổ nhất và duy nhất chỉ có các đơn vị quân đội tham gia xây dựng.
Ý tưởng về một con đường
Sau những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự ở Tây Nguyên tháng 4-2004, tình trạng người vượt biên từ Việt Nam sang Cam-pu-chia và từ nước ngoài về Tây Nguyên móc nối với các phần tử xấu nhằm phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, gây mất ổn định xã hội diễn biến phức tạp. Vùng biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia thuộc địa bàn Tây Nguyên với chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét, dân cư thưa thớt, rừng rậm, núi cao, sông suối nối liền hai nước, rất khó quản lý. Lực lượng Bộ đội Biên phòng còn mỏng, có đồn nằm xa biên giới, đường tuần tra không có nên việc quản lý khu vực biên giới rất khó khăn. Tháng 6-2004, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng ngay tuyến đường tuần tra biên giới (TTBG) ở hai khu vực nhạy cảm, thường có người nhập cư và di cư bất hợp pháp qua biên giới thuộc hai tỉnh Bình Phước (51km) và Đắc Nông (11km). Hai đoạn đường này do Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư, nền đường rộng 4m, rải đá cấp phối, hoàn thành vào tháng 8-2005. Để bảo đảm độ bền vững của con đường, Bộ Quốc phòng dự kiến đổ bê tông mặt đường rộng 3m. Nhưng khi nghiên cứu và xuất phát từ nhu cầu thực tế, con đường này phải rộng hơn để phát huy được nhiều tác dụng. Tuy nhiên, các đơn vị công binh làm xong phần đường đá cấp phối đã phải chờ đợi 2 năm để có văn bản pháp lý hoàn chỉnh cho việc thi công con đường theo tiêu chuẩn thống nhất.
Giữa năm 2007, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng vào kiểm tra tuyến đường và quyết định phương án mở rộng, nâng cấp từ 4m nền đường, 3m mặt bê tông lên 5m nền đường và 3,5m bê tông, dày 18cm. Phương án của Bộ Quốc phòng trình lên lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thủ tướng chỉ đạo: Đây là con đường chiến lược, không chỉ phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc hôm nay mà còn cho con cháu mai sau. Cần xây dựng tuyến đường hoàn chỉnh chạy dọc theo biên giới nước ta giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia. Điều kiện kinh tế hiện nay cho phép chúng ta xây dựng con đường này một cách cơ bản, bền vững, bảo đảm sử dụng lâu dài. Tiếp đó, Chính phủ giao ngay cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai. Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, nguồn vốn được huy động từ Trái phiếu Chính phủ, phương thức xây dựng là chỉ định thầu. Các đơn vị công binh và công ty xây dựng của quân đội tham gia thi công.
Ban quản lý dự án đường TTBG (gọi tắt là Ban quản lý dự án 47) được thành lập ngày 10-6-2005, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ ngày 21-3-2007, Ban 47 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, gồm những cán bộ dày dạn kinh nghiệm mở đường xuyên rừng núi, trưởng thành từ thời kháng chiến chống Mỹ. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban chỉ đạo dự án; Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh được điều về làm Giám đốc Ban quản lý dự án 47.
Ý tưởng xây dựng đường TTBG bắt đầu từ một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng triển khai lập đề án quy hoạch. Trung tâm Kỹ thuật các công trình đặc biệt đảm nhiệm việc lập đề án dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu; sự tham gia của Bộ tư lệnh Công binh, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và một số đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế (KSTK) trong quân đội. Đề án còn qua nhiều bước thẩm định, đóng góp của các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Ngoại giao, Giao thông-Vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Khoa học công nghệ và môi trường; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có đường biên giới đi qua. Và ngày 14-3-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”.
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: “Từ quyết định của Thủ tướng đến khi bước vào thi công còn phải mất một năm với khá nhiều cuộc họp để ra được những văn bản pháp quy. Họp các cơ quan Bộ Quốc phòng, họp giữa cơ quan Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành liên quan. Ban quản lý dự án phải soạn thảo không biết bao nhiêu văn bản, trải qua 65 lượt trình duyệt khác nhau mới có được đầy đủ các quyết định vào giữa năm 2007”.
Vóc dáng của con đường
Hiện nay, chưa nhiều người biết “Đường TTBG” là gì. Có người hình dung đó là con đường sẵn có từ lâu đời, trải nhựa phẳng phiu, xe chạy bon bon dọc theo chiều dài biên cương Tổ quốc. Lại có người quan niệm rằng, đó là con đường chạy sát đường biên giới, có bức tường bê tông cao quá đầu người, ngăn cách biên giới nước ta với 3 nước láng giềng. Xin thưa: Bây giờ chúng ta mới bắt tay vào xây dựng. Con đường đó xuyên qua rừng sâu, núi cao chót vót, nhiều nơi chưa có dấu chân người. Con đường đó chạy song song theo đường biên giới, từ địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh) đến điểm cuối cùng ở tỉnh Kiên Giang. Con đường đó, theo thiết kế, có điểm gần nhất cách đường biên giới 100m, điểm xa nhất cách 1.000m. Vì chạy song song với đường biên giới 3 nước Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia nên hình dáng con đường cũng mang dáng hình đất nước (hình chữ S), tổng chiều dài 14.251km. Khác với những quốc lộ dọc ngang đất nước, khi mở đường, nhà thiết kế được phép tránh núi cao, rừng sâu nên giảm bớt nhiều đèo dốc. Đường TTBG phải xuyên qua các loại địa hình hiểm trở nhất, nhiều đèo cao, vực thẳm, sông rộng, suối sâu. Rất nhiều đoạn của con đường nằm trên sườn núi chênh vênh, ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển. Nó cũng là con đường chạy qua những vùng thưa vắng dân cư, xe chạy cả ngày có khi không thấy một nóc nhà, không gặp một bóng người dân. Do đó, dự án còn phải mở thêm hệ thống đường ngang, khoảng 200km có một con đường nhánh nối quốc lộ hoặc tỉnh lộ với đường TTBG. Trước mắt, những nhánh này làm đường công vụ, phục vụ vận chuyển vật liệu thi công; về lâu dài, nó trở thành đường dân sinh, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Lực lượng thi công có hạn nên cùng một lúc, không thể triển khai đồng loạt trên toàn tuyến. Giai đoạn 2006-2010, các đơn vị tập trung xây dựng một số tuyến trọng điểm ở địa bàn Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn; tiếp đó là Nghệ An, Đồng Tháp, Lai Châu, Cao Bằng. Việc thi công chính thức bắt đầu từ cuối năm 2007.
Đường TTBG chưa có trên thực địa mà hôm nay, nhận trọng trách của Đảng và Chính phủ giao cho, những cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đang bắt tay vào phát rừng, vạch lối; băng qua thác ghềnh, mưa lũ; xua đi những đàn muỗi, vắt và thú rừng để mở tuyến, làm đường. Muôn vàn khó khăn và thử thách đang chờ ở phía trước.
(Kỳ sau: “Xe đi trong đêm Trường Sơn”)
ĐỨC TOÀN