QĐND - Những năm 1947-1948, anh Lê Trọng Tấn đã là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La, còn tôi (Đặng Văn Việt) là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (Lạng Sơn). Một người thì ở cực Tây Bắc, một người thì ở cực Đông Bắc. Sứ mệnh đã đưa hai chúng tôi lại gần nhau. Cuối năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương thành lập hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội. Trung đoàn 174 lấy từ các đơn vị của Trung đoàn Cao Bằng, Trung đoàn Lạng Sơn, Trung đoàn Bắc Kạn… gồm 6 tiểu đoàn, quân số 5.800 người, do tôi làm Trung đoàn trưởng và Chính ủy là anh Chu Huy Mân. Trung đoàn 209 được thành lập gồm các tiểu đoàn: 130, 154 và 166, Trung đoàn trưởng là anh Lê Trọng Tấn và Chính ủy là anh Trần Độ. Bốn cán bộ chỉ huy hai trung đoàn chủ lực đầu tiên, nay chỉ còn lại mình tôi.

Đến đầu năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh chủ trương thành lập thêm Đại đoàn 308, gồm có 3 trung đoàn: 102, 36 và 88. Anh Vương Thừa Vũ là Đại đoàn trưởng. Các Tiểu đoàn trưởng đều lên làm Trung đoàn trưởng: Anh Thái Dũng (Trung đoàn 88), anh Vũ Yên (Trung đoàn 102), anh Hùng Sơn (Trung đoàn 36). Lúc này, bộ có 5 trung đoàn chủ lực (từ năm 1950). Tôi còn nhớ, có một vài lần, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mời họp các quân khu trưởng trong một lán tre nứa khoảng 15 đến 20m2 ở gần Bản Chu (có mặt anh Hùng Sơn, anh Chu Văn Tấn, anh Hoàng Sâm…). Anh Văn cho mời hai Trung đoàn trưởng chủ lực của bộ là anh Lê Trọng Tấn và tôi. Giá còn ghi lại được một tấm ảnh thì thật là quý biết mấy!

Anh Lê Trọng Tấn là một người tính tình đôn hậu, hòa nhã. Anh luôn đón tiếp mọi người với một nụ cười, nói năng nhẹ nhàng, không bao giờ to tiếng với ai. Anh có dáng dấp của một “nho tướng” hơn là một “hổ tướng”. Ngoài tính thẳng thắn, nghiêm khắc trong công việc, anh Tấn có một cách đối xử tâm lý, tình cảm với cán bộ, chiến sĩ. Riêng tôi, anh Tấn có một sự quan tâm đặc biệt. Suốt thời gian làm Chủ nhiệm huấn luyện ở Trường Sĩ quan Lục quân, cứ chiều thứ 7 là tôi lại đạp xe về với gia đình ở Hà Nội. Chặng đường không xa lắm, chừng 50km, nhưng mỗi lần về, tôi thường gặp gió nam thổi ngược, phải còng lưng đạp toát cả mồ hôi đến tận 10, 11 giờ đêm mới về đến nhà. Thấy cái cảnh vất vả ấy, anh đã có nhã ý mời tôi cùng đi về Hà Nội với anh. Và chiều chủ nhật, vào khoảng 4 giờ, anh Tấn lại đưa xe qua nhà đón tôi cùng lên trường...

KHÁNH CHI, ghi theo lời kể của ông Đặng Văn Việt