QĐND - Trung tuần tháng 11-1953, Bộ Tổng tư lệnh mở Hội nghị cán bộ toàn quân phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 tại Đồng Đau (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Theo kế hoạch tác chiến xây dựng sau hội nghị đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ phê chuẩn, thì trong Đông Xuân 1953-1954, chúng ta phải tập trung chủ lực giải phóng hoàn toàn Tây Bắc, đồng thời trực tiếp hỗ trợ cho nhân dân và Quân Giải phóng Lào tiến công giải phóng những thành phố quan trọng ở Thượng Lào, tiến sát đến Luông Phra-băng, thủ đô của Vương quốc Lào đang được Mỹ giúp đỡ để xây dựng một vương quốc uy hiếp ta ở khu vực Thượng Lào.
Hướng tác chiến cho chủ lực ta lúc đó là giải phóng Lai Châu - Phông Xa Lỳ vào trung tuần tháng 11-1953. Tổng Quân ủy quyết định bộ phận tiền phương của chiến dịch gồm các đồng chí: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (khi đó là Tham mưu trưởng chiến dịch); Lê Liêm, Đặng Kim Giang, Lê Trọng Nghĩa… sẽ lên Tây Bắc trước.
Ngay khi đoàn đến Hát Lót, đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ thị tổ chức ngay một cơ quan chỉ huy tiền phương lâm thời và bắt đầu làm việc giữ liên lạc với Bộ Tổng tư lệnh còn đang ở Định Hóa, đồng thời đồng chí cũng cho cán bộ nhanh chóng nắm chắc lại tình hình địch, ta trên chiến trường Tây Bắc. Một buổi chiều, tôi nhớ khoảng đầu tháng 12-1953, đồng chí Hoàng Văn Thái gọi đồng chí Lê Trọng Nghĩa và tôi đến lán làm việc và nói: “Anh Nghĩa và các cậu nghĩ xem, từ hôm qua, tình hình phỉ tan rã rất nhanh. Theo tin của đồng chí Bằng Giang và đồng chí Trần Quyết cho biết, trên địa bàn từ Hát Lót về hướng Lai Châu, hơn một trung đoàn phỉ đang tan rã. Trong khi đó, lực lượng tiễu phỉ của ta mới có một tiểu đoàn cộng với du kích địa phương, làm sao mà đánh địch tan rã nhanh như vậy? Tối qua, tôi đã bàn vấn đề này với anh Lê Liêm, anh cũng thấy tình hình này không bình thường, cần tìm hiểu sâu hơn nữa về tình hình địch”.
Khoảng 8 giờ tối hôm đó, anh Thái bảo anh Nghĩa và tôi đến gần chiếc bàn tre, trên đó trải hai tấm bản đồ vùng Sơn La và Lai Châu tỷ lệ xích 1/100.000 và nói: “Qua những hiện tượng rất bất ngờ của phỉ ở khu vực từ đây về Lai Châu, tôi cho rằng, hiện tượng phỉ rút nhanh không phải chỉ để tập trung về bảo vệ Lai Châu, mà cũng có thể xa hơn nữa là chúng được Pháp ra lệnh chuẩn bị bảo vệ cho một cuộc hành binh của Pháp rút khỏi Lai Châu để về tập trung ở Điện Biên Phủ. Mà như các anh đã biết, từ khi nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ từ ngày 20-11-1953 đến nay, quân Pháp đang ra sức củng cố và mở rộng vị trí chiếm đóng ở Điện Biên Phủ. Như vậy là địch có thể rút bỏ Lai Châu trước khi chúng ta mở cuộc tấn công để giải phóng Lai Châu - Phông Xa Lỳ như nhiệm vụ đã được trên trao cho chiến dịch”.
Những ý kiến của anh Thái làm cho anh Lê Trọng Nghĩa và tôi đều cảm thấy rất bất ngờ, vì cả anh Nghĩa cũng chưa nghĩ đến tình huống vừa qua có thể phát triển đến một cục diện mới nhanh như vậy trên chiến trường Tây Bắc. Ngay sau đó, anh Thái đã trao đổi điện thoại với anh Lê Liêm và thống nhất cần báo cáo ngay với anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) những nhận định trên.
Trong đêm đó, chúng tôi nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu ở Sở chỉ huy yêu cầu tung lực lượng tiến nhanh về phía Lai Châu, đồng thời nắm chắc Đại đoàn 316 để sử dụng cho kịp thời khi tình huống có chuyển biến. Hai ngày sau, chúng tôi nhận được thông báo của Bộ Tổng tham mưu cho biết, địch đang rút khỏi thị xã Lai Châu và Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 đã được lệnh chặn đánh quân địch trên đường rút từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Lúc này, anh Lê Liêm và tất cả các cơ quan mới nhận thấy rõ những suy đoán về tình huống mà anh Thái đã nêu lên từ mấy hôm trước, chứng tỏ anh đã nắm bắt và phân tích tình hình thực tiễn rất sâu sắc và chính xác. Đúng là phương pháp phân tích tình hình của một người tham mưu chỉ huy bậc thầy.
HƯƠNG THU (Theo hồi ức của Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Bí thư của Đại tướng Hoàng Văn Thái trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954)