QĐND - Xe tăng 390 (Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp) vừa chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia. Thiếu tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những câu chuyện trong hành trình đề nghị công nhận giá trị lịch sử của xe tăng 390.

- Được biết, để được công nhận là bảo vật quốc gia, các tiêu chí đặt ra cho mỗi hiện vật rất khắt khe, chặt chẽ. Hiện vật xe tăng 390 đã đáp ứng các tiêu chí đó như thế nào?

- Có 3 tiêu chí đặt ra để được công nhận là hiện vật quốc gia đó là: Hiện vật gốc độc bản; hiện vật có hình thức độc đáo; hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc. Trong 3 tiêu chí trên, xe tăng 390 hội tụ hai tiêu chí cơ bản nhất: Là hiện vật gốc độc bản và hiện vật có ảnh hưởng tích cực đến sự kiện trọng đại của đất nước, biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Thiếu tá Mai Thị Ngọc giới thiệu với khách tham quan về hiện vật xe tăng 390. Ảnh: Hương Ngọc

- Chúng tôi được biết, bên cạnh việc là “chứng nhân lịch sử” trong sự kiện 30-4-1975, xe tăng 390 còn có một bề dày thành tích chiến đấu cũng rất đặc biệt?

- Đúng vậy! Rất ít người biết rằng, xe tăng 390 cùng những chủ nhân của nó đã đi một cung đường rất dài theo hình đất nước. Ngày 4-12-1971, nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 203, xe tăng 390 hành quân từ Vĩnh Phúc, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khốc liệt. Sau sự kiện lịch sử 30-4-1975, xe tăng 390 có vinh dự được xếp hàng đầu trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15-5-1975 tại TP Sài Gòn, rồi tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ tại Huế, Đà Nẵng. Năm 1978, xe tăng 390 lại hòa mình vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Cam-pu-chia. Đến năm 1979, xe tăng 390 nhận lệnh lên tàu thủy, vượt biển ra Bắc và tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau đó, xe tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ đến tận năm 1999 thì mới về bảo tàng... nghỉ ngơi. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, xe tăng 390 luôn có mặt ở tuyến đầu, luôn ở mũi đột kích, liên tiếp lập nên những chiến công huyền thoại. Hình ảnh xe tăng 390 trở thành biểu tượng chiến thắng của Bộ đội Cụ Hồ và lực lượng tăng-thiết giáp.

- Trải qua một hành trình dài, liên tục cơ động chiến đấu như vậy, liệu xe tăng 390 có còn nguyên trạng là hiện vật gốc độc bản?

- Năm 1999, khi đến Bảo tàng lực lượng Tăng-Thiết giáp thăm lại xe 390, các cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, Ngô Sĩ Nguyên, Lê Văn Phượng và Nguyễn Văn Tập đã “bị” cán bộ, nhân viên Bảo tàng “thử thách”: “Các bác có khẳng định đây chính là chiếc xe đã cùng các bác húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 không?”. Cả 4 cựu chiến binh cùng trả lời: “Bây giờ chiếc xe đã được sơn mới nhưng nó gắn bó máu thịt với chúng tôi suốt chặng đường chiến đấu thì làm sao có thể quên được. Nếu sườn trái tháp pháo vẫn còn 2 vết lõm, sâu khoảng 1cm; phía trên mặt tháp pháo còn vết lõm dài chừng gang tay. Đó là những vết lõm do xe trúng bom, pháo địch. Nếu vẫn còn thì đúng là xe 390”. Sau đó, bác Ngô Sĩ Nguyên bổ sung: “Nếu số tháp pháo được đúc nổi trên sườn trái là 61-T-73, phía trái cửa trưởng xe vẫn là dãy số khắc chìm 73776 thì đích thị là 390”. Khi đó, chúng tôi mở cửa đưa các nhân chứng đến "gặp" lại chiếc xe, các bác òa khóc vì sung sướng. Từng vết lõm, từng số hiệu trên xe đúng chính xác như các bác nói.

- Xin cảm ơn đồng chí!

HƯƠNG NGỌC (thực hiện)