 |
Các nhà khoa học Viện KH và CNQS (Bộ Quốc phòng) thông qua giáo trình “Chiến tranh thông tin trên mạng” dành cho nghiên cứu sinh.
|
Ở các nước phát triển, việc gắn các đề tài của luận án thạc sĩ, tiến sĩ với đề tài của các viện nghiên cứu khoa học được thực hiện rất tốt. Việc làm này có lợi cho cả hai bên: Viện nghiên cứu sẽ có những cộng sự tốt, còn ứng viên thạc sĩ, tiến sĩ lại tận dụng được tri thức từ đề tài khoa học của viện nghiên cứu. Công thức này đã được Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (KH và CNQS) áp dụng suốt 30 năm qua.
Cái mới từ một sản phẩm quá hạn sử dụng
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân từng nói: "Nếu không tìm ra cái mới thì đừng mong làm tiến sĩ". Đây không chỉ là tiêu chí đối với các nghiên cứu sinh, mà cũng là một yêu cầu mang tính bắt buộc trong đào tạo sau đại học ở Viện KH và CNQS.
Đại tá, PGS, TS Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (Viện KH và CNQS) cho tôi xem bản thống kê những đóng góp về khoa học kỹ thuật và công nghệ từ hàng trăm đề tài thạc sĩ, tiến sĩ được bảo vệ tại Viện rồi dừng lại ở đề tài: “Về một bài toán điều khiển tối ưu quỹ đạo của thiết bị bay trong thực tế sử dụng ở Việt Nam” và cho biết: “Đề tài này có đóng góp mang tính quyết định cho việc cải tiến một loại vũ khí đã hết hạn sử dụng thành thiết bị phục vụ công tác huấn luyện. Cái mới của đề tài là biến một sản phẩm quá niên hạn sử dụng thành một sản phẩm mới rất có giá trị về công nghệ trong hoạt động quân sự”.
Đi sâu tìm hiểu, tôi được biết, trước đây cũng đã có không ít cơ quan, đơn vị triển khai nghiên cứu, nhưng đều chưa mang lại thành công. Lúc này, tâm lý bi quan xuất hiện, độ tin tưởng và sự ủng hộ của cơ quan chức năng cũng giảm. Đồng chí Nguyễn Văn Mật, khi ấy là nghiên cứu sinh tại Viện KH và CNQS đã làm luận án tiến sĩ với đề tài “Về một bài toán điều khiển tối ưu quỹ đạo của thiết bị bay trong thực tế sử dụng ở Việt Nam”. Những đóng góp của đề tài này đã giúp nhóm cán bộ của Viện KH và CNQS tính toán lại các hệ số khí động, hoàn thiện mô hình toán và giải bài toán tối ưu tìm chương trình điều khiển và góc phóng mới.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Nhà máy A31 đã sản xuất thành công hàng trăm mục tiêu M7, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội tên lửa. Đề tài khoa học trên là một thành tích khoa học công nghệ nổi bật và cũng là một trong những niềm tự hào của những người từng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện KH và CNQS.
Bài toán “chất xám”: 30 năm vẫn trăn trở
30 năm qua, Viện KH và CNQS đã đào tạo cho đất nước 110 tiến sĩ, 10 thạc sĩ chuyên ngành công nghệ hóa học. Nhiều nghiên cứu sinh của Viện, giờ đây đã là những cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học có bề dày thành tích trong và ngoài quân đội, đóng góp nhiều công trình sáng tạo cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, như các đề tài: Hiện đại hóa phương tiện thông tin, ra-đa; công nghệ mạ phục vụ đường dây 500KV; công nghệ xử lý môi trường; công nghệ vật liệu hữu cơ; tự động hóa các trang thiết bị khí tài quân sự. Thành tích đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi trăn trở của đội ngũ các nhà khoa học ở đây. Đại tá, PGS, TS Trần Đức Thuận tâm sự: “Chất lượng đào tạo tiến sĩ đang là vấn đề thời sự của đất nước. Viện KH và CNQS là một địa chỉ đào tạo có uy tín nên cũng đang “đau đầu” với rất nhiều bài toán khó xoay quanh vấn đề này”.
Bài toán khó đó là: Kinh phí cho công tác nghiên cứu trong mỗi đề tài của một nghiên cứu sinh còn thấp, là nguy cơ “lão hóa” đội ngũ giáo sư, phó giáo sư (trong 3 năm tới, nhiều GS, PGS ở Viện sẽ nghỉ hưu theo chế độ hiện hành) và nhất là một phần lớn nghiên cứu sinh của Viện là sĩ quan quân đội, thu nhập thấp, tuổi còn trẻ nên phải vừa học, vừa làm để nuôi gia đình… Những vấn đề này đã có từ những ngày đầu Viện làm nhiệm vụ đào tạo sau đại học, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, tác động của nó vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Viện càng trở nên trực tiếp, bức thiết hơn.
Bài toán này vừa là thách thức, vừa là động lực để các nghiên cứu sinh nâng cao quyết tâm vượt qua, thể hiện trách nhiệm của người trí thức với quân đội và đất nước.
Bài và ảnh: HỒNG HẢI