Theo Thiếu tá Trần Ngọc Nam, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 134, nhiệm vụ lắp đặt VSAT gặp nhiều khó khăn như: Địa hình cơ động xa, phức tạp, khối lượng vận chuyển trang bị lớn, cồng kềnh; xuất hiện tình huống sự cố lỗi thiết bị, chất lượng đường truyền bị tác động lớn bởi địa hình, thời tiết... “Để khắc phục khó khăn trên, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của đơn vị đã tích cực học tập, nghiên cứu nguyên lý hoạt động, phương pháp triển khai lắp đặt, kết nối các thành phần trong trạm máy, kết nối vệ tinh và hòa mạng trạm VSAT vào trong hệ thống; thực hành demo (bản thử nghiệm), làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ ngoài thực địa”, đồng chí Trần Ngọc Nam chia sẻ.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 134 lắp đặt ăng-ten và bảo dưỡng các thiết bị VSAT trên tàu hải quân (tháng 1-2021). 

Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc trong thực hiện chủ trương xây dựng binh chủng tiến lên hiện đại, với mục tiêu “giỏi về thông tin truyền thống, tinh nhuệ về thông tin cơ động, làm chủ khí tài thông tin công nghệ cao”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 134 xác định đột phá vào khâu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp gắn với xây dựng môi trường học tập tích cực để mọi cán bộ, nhân viên đều có điều kiện và có cơ hội học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng nguồn lực, đào tạo lực lượng nhân viên chuyên môn kỹ thuật mũi nhọn đầu ngành tại trung tâm bảo đảm kỹ thuật và các tổ bảo đảm kỹ thuật cơ động; cử cán bộ đi đào tạo tại các trường trong và ngoài quân đội...

Từ năm 2017 đến nay, Lữ đoàn 134 đã tổ chức tập huấn, huấn luyện cho hơn 1.280 lượt nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong đơn vị và các đơn vị thông tin trong toàn quân; lãnh đạo, chỉ đạo, phát động và triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị được áp dụng vào thực tế như: “Thiết bị báo cảnh ngoài cho hệ thống Mux quang”, “Nghiên cứu phương pháp, xây dựng thuật toán và thiết kế phần mềm xác định tần số làm việc tối ưu áp dụng cho đường truyền sóng điện ly của máy vô tuyến điện sóng ngắn”; “Phần mềm tính toán tần số làm việc tối ưu cho máy vô tuyến điện sóng ngắn”... Các sáng kiến đều có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ huy, điều hành và bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông tin liên lạc.

Đại tá Nguyễn Văn Lượng, Chính ủy Lữ đoàn 134 chia sẻ: “Để phong trào tự học, tự rèn đi vào thực chất, Đảng ủy yêu cầu đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp phải phát huy tính tiền phong gương mẫu trong tự học, nắm chắc về trang bị, khí tài theo phân cấp và đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện cho đơn vị theo từng chuyên ngành”. Đối với đội ngũ cán bộ mới về đơn vị, sau một tháng trên cương vị công tác phải tiến hành viết báo cáo thu hoạch để kiểm tra chất lượng nắm và quản lý đơn vị. Bên cạnh các nội dung huấn luyện theo kế hoạch, tiến trình, lữ đoàn còn thường xuyên tổ chức huấn luyện bổ sung các nội dung sát thực tiễn để đội ngũ cán bộ, nhân viên được cọ xát và có điều kiện vận dụng kiến thức vào thực tế.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ