QĐND - Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) vững mạnh, rộng khắp, trong đó có việc quan tâm giúp cán bộ, chiến sĩ DQTV ổn định cuộc sống. Song bên cạnh những kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai, tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm và có chính sách phù hợp hơn nữa trong xây dựng DQTV ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Chứng kiến tinh thần thi đấu với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ DQTV huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) dự Đại hội Thể dục Thể thao của huyện, Thượng tá Nông Quang Hữu, Chính trị viên Ban CHQS huyện Nguyên Bình cho biết, đó là kết quả xây dựng, huấn luyện DQTV của huyện. Năm 2013, tỷ lệ DQTV chiếm 2,2% dân số, quân số tham gia huấn luyện đạt 98,2%, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, hơn 76% khá, giỏi. Anh Vũ Mạnh Cường, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Nguyên Bình lý giải, trước đây, chiến sĩ dân quân mặc dù rất tốt, nhưng do hoàn cảnh, không ít chiến sĩ thường đi làm ăn xa, hoặc nếu ở nhà cũng bận việc nương rẫy, do đó khi đơn vị tập trung, nhiều chiến sĩ vắng mặt. Để giúp dân quân ổn định cuộc sống, Ban CHQS thị trấn tham mưu với cấp ủy, chính quyền hỗ trợ dân quân vốn phát triển kinh tế. 4 chiến sĩ Hoàng Văn Nhồng, Lương Văn Hùng, Pản Hợp, Bàn Văn Tòn, dân tộc Dao, ở tổ 1, thị trấn Nguyên Bình, mỗi đồng chí được vay vốn 20 triệu đồng. Họ liên kết lập tổ sửa chữa xe. Hiện nay hằng tháng, mỗi chiến sĩ thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Anh Nhồng tâm sự, có việc làm nên chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi không phải đi làm ăn xa, luôn nắm vững địa bàn. Khi đơn vị có nhiệm vụ, chúng tôi kịp có mặt, tích cực tham gia. Theo anh Cường, cả 4 chiến sĩ từ đầu năm 2013 đến nay đã cùng đơn vị giúp dân hơn 100 ngày công xây dựng đường giao thông, phát hiện bắt giữ 4 vụ trộm cắp, góp phần giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.
 |
Chiến sĩ dân quân huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) luyện tập bắn súng. |
Từ mô hình giúp dân quân làm kinh tế của Ban CHQS thị trấn Nguyên Bình, Ban CHQS huyện cũng chỉ đạo nhân rộng các xã vận dụng các mô hình cụ thể. Tại xã Tam Kim có mô hình trồng cây trúc; mô hình trồng thanh long của dân quân xã Minh Trường… Tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo nhân rộng các mô hình dân quân sản xuất hiệu quả, như trồng mía xuất khẩu ở huyện Hạ Lang; thêu tranh của chiến sĩ dân quân nữ huyện Trà Lĩnh; nuôi dê ở huyện Bảo Lâm… Chuyện chiến sĩ dân quân Phùng Sũng Peo, bố mẹ mất, nhà chưa có, chỉ còn hai anh em, Ban CHQS xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình) huy động anh em chia sẻ, giúp Phùng Sũng Peo dựng ngôi nhà rộng 40m2, khiến nhiều người cảm động. Đón nhận sự giúp đỡ của đồng đội, Phùng Sũng Peo tích cực công tác, huấn luyện giỏi, năm 2012 được tặng giấy khen.
Trong những năm qua, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 100 lượt chiến sĩ dân quân khó khăn được đồng đội giúp đỡ. Việc làm thiết thực giúp chiến sĩ dân quân gắn bó với nhiệm vụ. Theo Bộ CHQS tỉnh năm 2013, tỷ lệ QDTV đạt 2,2% dân số; hơn 3.700 lượt DQTV giúp dân làm mới, sửa chữa gần 20km đường giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai; vận động 17.500 lượt người phối hợp các lực lượng tuần tra biên giới… DQTV thực sự là chỗ dựa của bản, làng vùng cao của tỉnh Cao Bằng.
Thượng tá Hà Lương Đà, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng nêu kinh nghiệm, cơ quan quân sự các cấp thường xuyên rà soát, kiểm tra nắm chắc chất lượng, khó khăn của quân nhân, DQTV, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền, đề xuất cách làm cụ thể; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh. Toàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các Chương trình 134, 135 của Chính phủ; phát huy vai trò cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là thôn trưởng, cán bộ ban CHQS xã, thị trấn. Các địa phương tuyển chọn, nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, rèn luyện và huấn luyện DQTV, tổ chức diễn tập chiến đấu trị an cấp xã, thị trấn.
Mặc dù đã nỗ lực, đạt kết quả quan trọng, song tỉnh Cao Bằng còn tới 9 huyện nghèo, 137 xã đặc biệt khó khăn, dân trí thấp. Các mô hình giúp DQTV ổn định cuộc sống còn chưa nhiều, kết quả mới đạt bước đầu; việc đầu tư thêm vật chất, kinh phí của địa phương còn khiêm tốn, chủ yếu là theo chế độ quy định chung của Nhà nước, nên còn nhiều khó khăn. Anh Lục Tràn Khe, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Triệu Nguyên (huyện Nguyên Bình) cho biết: Tôi đi từ trụ sở xã đến xóm xa nhất cách tới 10km đường rừng. Để thông báo, gặp gỡ dân quân, tôi phải đi bộ 3 giờ, đó là ngày nắng, nếu vào mùa đông, ngày mưa thì khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Đã thế khi đến nhà chiến sĩ dân quân có lần lại không gặp được, do họ bận đi làm rẫy ở xa...
Để xây dựng DQTV vững mạnh, rộng khắp, vững chắc, Nhà nước, các ban, bộ, ngành các cấp cần có chính sách, quan tâm hơn nữa về chế độ ưu đãi lực lượng DQTV vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các địa phương cần đẩy mạnh hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho DQTV... Chủ động chăm lo xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, đời sống tốt, giúp DQTV yên tâm làm nhiệm vụ, làm nòng cốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Bài và ảnh: DUY HIỂN - HOÀNG KHỎE