QĐND - Hoạt động nghiên cứu, dự báo, tham mưu về chiến lược quân sự hình thành từ những ngày đầu thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cách đây 25 năm, ngày 11-1-1990, Viện Chiến lược Quân sự mới chính thức được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 25-4-2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 616/QĐ-TTg đổi tên Viện Chiến lược Quân sự thành Viện Chiến lược Quốc phòng-Bộ Quốc phòng. Viện Chiến lược Quốc phòng là cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia về quân sự, quốc phòng, đặt dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Viện có chức năng nghiên cứu, tư vấn những vấn đề về đường lối chính sách; lý luận, phương hướng phát triển chiến lược quốc phòng, quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 |
Đoàn cán bộ Viện Chiến lược quốc phòng nghiên cứu thực tế tại Nhà truyền thống Quân đoàn 3. Ảnh: Chiến Lược.
|
Từ những ngày đầu thành lập, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu rất khiêm tốn, nhưng viện đã nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của viện là góp phần hiện thực hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, trong đó có đổi mới tư duy về nghiên cứu chiến lược, nhằm từng bước thể chế hóa đường lối quốc phòng, làm cơ sở cho công tác hoạch định các nội dung chiến lược khác trong chiến lược phát triển chung của cả nước. Các công trình nghiên cứu của viện luôn bảo đảm đúng tiến độ, đạt hiệu quả thiết thực, chất lượng các công trình nghiên cứu ngày một nâng cao, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng.
Ngày nay, nhằm nâng cao hiệu công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, viện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thường xuyên quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, mệnh lệnh và chỉ thị của trên.
Đây vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu cơ bản có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng phải luôn nắm vững đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiệm vụ của quân đội qua các thời kỳ để xác định phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, nội dung, tổ chức phương pháp nghiên cứu dự báo và tham mưu cho phù hợp. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, chỉ huy các cấp đối với công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng, cụ thể là: Phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu dự báo; xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo, điều hành tổ chức hoạt động nghiên cứu, dự báo; trên cơ sở kết quả nghiên cứu dự báo để tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, quân đội những vấn đề mang tầm chiến lược, làm cơ sở để hoạch định chiến lược quốc phòng, quân sự…
Luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Quán triệt quan điểm bám sát tình hình thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, công tác nghiên cứu chiến lược phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” để tổ chức hoạt động nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng. Thường xuyên coi trọng việc gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, khảo sát thực tế ở các địa phương, đơn vị để nâng cao giá trị khoa học và thực tiễn của các vấn đề nghiên cứu dự báo.
Tư duy sắc bén, bảo đảm tính khoa học, tích cực, chủ động, dự báo đúng, sát gần với thực tiễn những tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường hòa bình, ổn định bền vững, có lợi nhất cho đất nước, công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo là bảo đảm tính tích cực, chủ động với nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là ưu tiên cao nhất. Tích cực, chủ động trong nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng phải đi đôi với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân độc lập, tự chủ. Kết quả nghiên cứu dự báo phải góp phần khẳng định tính đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chuẩn bị cho đất nước sẵn sàng đối phó với mọi tình huống chiến tranh có thể xảy ra. Chủ động cần được thể hiện trong nắm bắt tình hình, khai thác xử lý thông tin, nghiên cứu thực tế, mạnh dạn đưa ra dự báo, chủ động xin ý kiến, chủ động phối hợp nghiên cứu...
Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng để chủ động nghiên cứu dự báo những yếu tố tác động đến quốc phòng, an ninh và đề xuất các giải pháp xử lý có hiệu quả.
Công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng thường xuyên chịu ảnh hưởng, tác động của tổng hợp các yếu tố khách quan và chủ quan của tình hình thế giới, trong nước và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, để làm tốt công tác nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng, cần tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng để chủ động nghiên cứu những yếu tố tác động đến quốc phòng, an ninh của đất nước. Hướng nghiên cứu cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến cục diện thế giới, khu vực, xu thế đa cực; sự hình thành các cấu trúc an ninh mới; sự thay đổi vị thế của các nước lớn, các tổ chức khu vực; xu hướng phát triển của toàn cầu hóa; nghiên cứu dự báo sự điều chỉnh chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn, các nước trong khu vực; nghiên cứu dự báo xu hướng phát triển của quan hệ chiến lược giữa các nước có tác động đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp xử lý, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội những giải pháp chiến lược khả thi về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Bên cạnh đó, phải tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng, TS NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng