QĐND - Lữ đoàn 279 là đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” của Binh chủng Công binh. Một trong những kinh nghiệm mà đơn vị rút ra qua thực hiện phong trào là không ỷ lại ở trên mà chủ động, lấy phát huy nội lực là chính.

Trở lại Lữ đoàn 279 lần này, ngay từ cổng, tôi đã cảm nhận rõ sự đổi thay. Hai bên đường bê tông rộng rãi, phẳng lỳ là những cột đèn chiếu sáng; hệ thống pa-nô, biển bảng tuyên truyền; sân chơi… được xây dựng chính quy; vườn hoa, cây cảnh được cắt tỉa kỳ công, môi trường xanh, sạch, đẹp tựa công viên.

Chỉ huy Lữ đoàn 279 kiểm tra công tác TGSX của các đơn vị trực thuộc.

 

Đại tá Trần Quốc Minh, Chính ủy lữ đoàn, niềm nở đón chúng tôi tại sở chỉ huy. Qua trò chuyện chúng tôi được hiểu, Lữ đoàn 279 là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống. Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là xây dựng, bảo quản công trình quốc phòng; làm đường tuần tra biên giới; rà phá bom, mìn, xử lý vật liệu nổ, cứu hộ, cứu nạn và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác. Các đơn vị làm nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, lực lượng phân tán, xa trung tâm chỉ huy, địa bàn rừng núi... Nét đặc thù này cũng là khó khăn với đơn vị trong xây dựng “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Mặc dù vậy, lữ đoàn luôn biết cách vượt lên để đẩy mạnh phong trào, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.  

 

Được biết, năm 2009, Binh chủng Công binh chọn Lữ đoàn 249 là đơn vị đại diện tham gia thi “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” cấp toàn quân và đạt giải đặc biệt xuất sắc. Ngay sau đó, binh chủng đã rút kinh nghiệm để nhân rộng... Hưởng ứng chủ trương của trên, Lữ đoàn 279 tổ chức quán triệt kỹ mục đích, yêu cầu, nội dung phong trào đến từng cán bộ, chiến sĩ. Từ Đảng ủy lữ đoàn đến các Đảng ủy bộ phận và chi ủy, chi bộ đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”. Chỉ huy lữ đoàn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, triển khai thực hiện các nội dung công tác quản lý quân nhu. Trên cơ sở những nội dung đã được thống nhất, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chặt chẽ, trong đó xác định rõ nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu và đề ra nhiều biện pháp thiết thực, sát thực tế. Lữ đoàn kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng “Đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” với tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, vai trò của các tổ chức quần chúng nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị. 

Mặc dù tổ chức ăn với nhiều chế độ, nhưng Đảng ủy, Chỉ huy lữ đoàn yêu cầu các đơn vị dù tĩnh tại hay dã ngoại cũng phải tổ chức bếp ăn chặt chẽ, phù hợp với thực tế, kiên quyết chống bớt xén, lãng phí, gây ảnh hưởng đến bữa ăn của bộ đội. Cơ quan hậu cần xây dựng thực đơn theo từng tuần sát với điều kiện khai thác nguồn lương thực, thực phẩm của từng đơn vị, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu món ăn hợp lý, bộ đội ăn ngon, ăn đủ, ăn hết tiêu chuẩn. Không chỉ đủ mà lữ đoàn còn bảo đảm vượt định lượng, nhiệt lượng bình quân các đối tượng đều vượt từ 182-195 kcalo/người/ngày.

Thăm khu tăng gia tập trung của đơn vị, chúng tôi gặp Thiếu úy Đỗ Văn Lĩnh, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, khi anh đang tổ chức bộ đội thực hiện chế độ tăng gia sản xuất (TGSX). Thiếu úy Đỗ Văn Lĩnh cho hay: “Trên cơ sở chỉ tiêu trên giao và kết quả, kinh nghiệm của những năm trước, cấp ủy, chỉ huy đã xây dựng kế hoạch TGSX sát tình hình thực tế của đơn vị. Bên cạnh kiểm tra, đôn đốc bảo đảm đủ chỉ tiêu theo quy định, chỉ huy đơn vị còn coi trọng công tác quản lý, sử dụng thành quả TGSX đúng mục đích.

Tại khu TGSX, Thượng úy Nguyễn Xuân Tùng, Trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 1, gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, cho biết: “Ngoài việc bám sát kế hoạch, chỉ đạo của trên để tham mưu với chỉ huy đơn vị, cơ quan hậu cần đã cố gắng duy trì nghiêm hoạt động của Tổ kinh tế ở các bếp ăn cấp tiểu đoàn và hoạt động Hội đồng giá của lữ đoàn. Cùng với kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, số lượng chủng loại lương thực, thực phẩm, đơn vị còn chủ động tổ chức khai thác, tạo nguồn, TGSX, chế biến lương thực, thực phẩm bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho toàn đơn vị; thường xuyên theo dõi biến động của giá cả, bảo đảm các sản phẩm TGSX luôn rẻ hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Từ năm 2010 đến nay, lữ đoàn đã tổ chức khai thác được 664 tấn gạo tẻ; hơn 155 tấn thịt xô lọc; gần 80 tấn cá tươi; hơn 432 tấn rau, củ, quả các loại; 121,5 tấn đậu, lạc, vừng; 21 tấn mắm, muối...

Theo Thượng úy Nguyễn Xuân Tùng, trong tổ chức tiếp nhận, cấp phát quân trang, lữ đoàn đặc biệt chú ý bảo đảm cho bộ đội xuất ngũ, chiến sĩ mới, quân dự bị động viên và quân trang bổ sung cho các đối tượng. Tôi đã hỏi nhiều chiến sĩ và đều nhận được câu trả lời, ở đơn vị không có tình trạng quân trang cấp muộn, cấp thiếu, cấp sai cỡ số... Hệ thống sổ sách theo dõi quản lý được thực hiện đồng bộ từ lữ đoàn đến các đơn vị và bếp ăn. Ngoài ra, đơn vị còn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quân nhu khá hiệu quả; các chế độ kiểm tra, kiểm kê, điểm nghiệm quân trang được thực hiện chặt chẽ.

Từ năm 2010 đến nay, Lữ đoàn 279 đã xây dựng ở khu thường xuyên 3 nhà ăn cấp tiểu đoàn, 1 nhà ăn tập trung với tổng diện tích 2.150m2, kinh phí gần 10 tỷ đồng và 5 nhà ăn tiểu đoàn dã ngoại với diện tích gần 2000m2, kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Toàn đơn vị hiện có 9 bếp ăn cấp đại đội, tiểu đoàn trên các hướng công trình và tại khu thường xuyên. Các bếp ăn đều bảo đảm tốt tiêu chí "Nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt".

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH