QĐND - Ngày 18 và 19-12-1946, Hội nghị mở rộng bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động cả nước kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương Đảng và hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quân dân thủ đô Hà Nội và các thành phố Huế, Đà Nẵng, thị xã Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… đêm ngày 19, rạng sáng 20-12-1946, quân và dân Nam Định nổ súng tiến công vào các vị trí quân địch trong thành phố, trong đó có trại Ca-rô và nhà sĩ quan là hai mục tiêu quan trọng. Ta cũng đồng thời tiến công vào nhiều vị trí trong thành phố như khu vực nhà máy sợi, nhà ga... Quân và dân ta đã vượt qua các chướng ngại vật tiến công giằng co với địch trong từng căn nhà, khu phố, có nơi ta chiếm tầng dưới, địch rút lên tầng trên, ta dùng bom ba càng cho nổ phá tầng nhà hầm. Địch hoàn toàn bất ngờ, hôm sau, dựa vào sự chi viện của máy bay, tổ chức phản kích, giành lại một số vị trí đã mất, chiếm thêm nhà ga và một số công sự kiên cố khác.

Lập chiến lũy trên đường phố ngăn chặn địch. Ảnh tư liệu.

Ngày 21-12-1946, ta tiếp tục bao vây, tiến công địch, nhưng hỏa lực không đủ mạnh để phá hủy và đánh chiếm các vị trí của chúng. Địch cũng không đủ sức phá vây, buộc phải dùng máy bay tiếp tế, chi viện. Sau hơn nửa tháng bị vây hãm, ngày 6-1-1947, quân Pháp ở Nam Định được lệnh phối hợp với quân dù và lính thủy đánh bộ từ Hà Nội xuống giải vây, quân dù nhảy xuống nhà máy sợi, nhà máy chiếu và khu Năng Tĩnh, trong khi tàu chiến đổ quân lên bến Đò Quan, phối hợp với quân lính trong thành phố, thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh ép vào. Do ta đã có kế hoạch dự kiến khả năng địch sẽ giải vây, nên chủ động triển khai một số đơn vị trên một số địa bàn để đánh địch cơ động. Các chốt giữa đánh chặn địch ở Mỹ Trọng, bến Đò Quan, ngã ba sông Hồng, sông Đào, kết hợp với lực lượng ngăn chặn địch trong thành phố đánh ra. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt ở trong thành phố và trên các khu vực địch đổ quân, quân ta đã làm cho cuộc giải vây của địch bị thất bại. Quân địch tiếp tục bị vây hãm trong thành phố suốt hai tháng, chỉ dựa vào nguồn tiếp tế duy nhất là đường hàng không. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 34 và du kích, tự vệ trong thành phố, tích cực chiến đấu ngăn không cho địch nống ra, đồng thời, tranh thủ thời điểm vào dịp Tết Đinh Hợi, ta huy động được hàng nghìn tấn rơm, tổ chức một trận “hỏa công”, đốt cháy khu vực nhà máy sợi, gây cho địch một số thiệt hại.

Ngày 6-3-1947, thực dân Pháp huy động khoảng 1.500 quân, hơn 100 xe cơ giới, ca-nô, tàu chiến, mở cuộc hành quân từ Hà Nội xuống tiến công Nam Định bằng cả đường thủy và đường bộ theo dọc đê sông Hồng, nhằm giải vây cho quân địch đang bị vây hãm trong thành phố. Lực lượng vũ trang địa phương cùng Vệ Quốc đoàn, tích cực chặn đánh địch suốt dọc đường hành quân, đến ngày 15-3-1947 địch mới vào được thành phố, nhưng phải đương đầu với các chiến sĩ cảm tử trụ lại tiếp tục cuộc chiến đấu trong lòng địch. Hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 34 và các lực lượng vũ trang nội, ngoại thành Nam Định, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Hà Kế Tấn, Chính trị viên Trung đoàn 34 và Cao Xuân Hổ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 34, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên giặc Pháp, giam chân địch suốt ba tháng trong thành phố, tạo điều kiện cho quân dân Nam Định cũng như toàn Chiến khu 2 tiến hành làm mọi công tác chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu vây đánh địch trong thành phố, của quân và dân Nam Định cùng với quân dân cả nước đã đánh bại kế hoạch chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp.

Đại tá Đào Văn Đệ