QĐND - Tỉnh Lâm Đồng nằm ở cực Nam Tây Nguyên, nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, thực hiện quyết tâm của Khu ủy 6, Tỉnh ủy Lâm Đồng hạ quyết tâm: Chớp thời cơ trước thế tiến công như vũ bão của đại quân ta, nhanh chóng giải phóng B’Xa, Đạ Huoai, Di Linh, thị xã B’Lao, phối hợp với bộ đội chủ lực giải phóng toàn tỉnh.
 |
Đồng bào các dân tộc thị xã B’Lao (tỉnh Lâm Đồng) phá banh ấp chiến lược. Ảnh tư liệu
|
Thực hiện kế hoạch trên, tỉnh ủy tăng cường cán bộ cho cơ sở và chỉ đạo các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo đoàn thể tập trung tổ chức lực lượng, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, phá banh ấp, trở về buôn, làng cũ. Để tạo thế cho bộ đội địa phương tiến công Đức Trọng, Đơn Dương, Tỉnh đội Lâm Đồng cơ động Đại đội 810 làm chủ Đường 11, xã Hiệp Thạnh, uy hiếp Đà Lạt, buộc địch phải rút quân về bảo vệ, tạo điều kiện cho ta giải phóng hai huyện. Mặt khác, tỉnh ủy chỉ đạo in hàng vạn tấm bản đồ Sài Gòn, cờ Mặt trận, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho đại quân vào chiến dịch; nhanh chóng huy động hàng trăm xe cơ giới, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội Sư đoàn 10 cơ động hội quân với Quân đoàn 3 theo Đường số 8 Gia Nghĩa.
Ngày 26-3-1975, bộ đội và du kích tỉnh phối hợp với Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) đánh chiếm Chi khu Đạ Huoai. Ta đưa trận địa pháo 130mm chiếm lĩnh đỉnh dốc Con Ó (phía bắc thị xã B’Lao) bắn chính xác vào Tòa Tỉnh trưởng, khiến địch hoảng sợ rút chạy. Ngày 28-3-1975, ta giải phóng thị xã B’Lao, truy kích địch về Di Linh. Chớp thời cơ khi ta giải phóng thị xã B’Lao, tỉnh ủy chỉ đạo đội công tác cơ sở, an ninh vũ trang phối hợp với Đại đội 5 trinh sát (Quân khu 6) đánh chiếm chi khu và quận lỵ Di Linh, đồi Pa-xtơ, kiên quyết không cho địch rút chạy từ B’Lao về cố thủ; các lực lượng ta đã kiên cường chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Với thế trận “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, đến ngày 31-3-1975, ta giải phóng Di Linh, tiếp tục truy kích địch chạy về Tuyên Đức.
Hướng tiến công giải phóng Đà Lạt, ta tổ chức thế trận thành hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến công theo Đường 21 giải phóng thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương). Tiểu đoàn 186 theo Đường 20 lên Đà Lạt. Trước sức tiến công mạnh mẽ của bộ đội ta và sự nổi dậy đồng loạt của quần chúng, địch nhanh chóng tan rã, 8 giờ 20 phút ngày 3-4-1975, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng.
TRẦN VĂN TOẢN (Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006)