QĐND - Sau năm 1954, Mỹ và chính quyền Sài Gòn điên cuồng khủng bố, trả thù, gây cho cách mạng miền Nam nhiều tổn thất. Để bảo toàn lực lượng, trang bị, cùng với việc bố trí người đi tập kết, nhiệm vụ của các cấp bộ Đảng, chính quyền và nhân dân miền Nam thời kỳ này là phải khẩn trương tổ chức chôn giấu vũ khí để đối phó với âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và tay sai.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều nơi đã phải tổ chức “đám tang giả” và nhiều hình thức khác để che mắt địch. Tháng 8-1954, Bộ tư lệnh Khu 5 đã thành lập một tổ công tác gồm 3 cán bộ, 20 chiến sĩ đặc công làm nhiệm vụ chôn giấu vũ khí. Đến tháng 11 năm đó, đội công tác đã xây dựng được 25 hầm chôn giấu vũ khí ở nhiều nơi. Tỉnh Gia Lai cũng xây dựng được 2 hầm, chôn giấu được 79 khẩu súng trường, 7 tiểu liên, 60 súng ngắn, 10.000 viên đạn. Tỉnh Kon Tum chôn giấu được 80 khẩu súng, 4 tấn đạn. Tỉnh Khánh Hòa chôn giấu được số súng, đạn đủ để trang bị cho một tiểu đoàn.

Các tỉnh Nam Bộ cũng đã nhanh chóng vận chuyển số vũ khí về các chiến khu, đồng thời tích cực vận động quần chúng và các cơ sở cách mạng chôn giấu vũ khí. Tại Sài Gòn-Gia Định, vũ khí được giấu ở các hầm trong chiến khu và các cơ sở trong nội đô. Tỉnh Long An chôn giấu được 100 khẩu súng và nhiều hòm đạn. Ở Bạc Liêu, 1.000 khẩu súng đã được chôn giấu bí mật. Tỉnh còn huy động nhân dân dùng ghe, xuồng tiếp nhận vũ khí từ ngoài Bắc chuyển vào đem về giấu ở các xã vùng U Minh Hạ. Tỉnh Cần Thơ đã chôn giấu hai hầm súng ở Ô Môn, Long Mỹ và giấu hàng chục khẩu súng dưới lòng sông Xà No....

Không chỉ chôn giấu vũ khí, nhiều địa phương còn tổ chức chôn giấu cả máy móc, thiết bị và tiền mặt. Vũ khí trang bị trước khi chôn giấu đều được bảo quản cẩn thận, như tra dầu mỡ, bọc ni-lông, cho vào hòm tôn hàn kín, đồng thời vẽ sơ đồ, ký hiệu và cử cán bộ trông giữ để không bị thất lạc. Một số thợ quân giới, cơ khí trình độ tay nghề cao cũng được ém sẵn tại các cơ sở của ta với danh nghĩa thợ bạc, thợ tiện, thợ sửa chữa ô tô để sẵn sàng huy động...

Vũ khí trang bị được chôn giấu và cán bộ kỹ thuật ở lại thực sự là lực lượng nòng cốt, vốn vật chất quý báu của cách mạng miền Nam trong những ngày đầu kháng chiến. Sự mưu trí, sáng tạo trong giữ gìn, bảo quản vũ khí trang bị thời kỳ này là bài học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

HOÀNG ÂN