QĐND Online- Đầu năm 1971, Trung ương và Bộ Chính trị quyết định mở chiến dich Đường 9 - Nam Lào nhằm bẻ gãy cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ -Ngụy theo đường số 9 lên Nam Lào. Đã 40 năm qua, nhưng những trận đánh đỏ lửa, những chiến công hiển hách vẫn luôn là những ký ức không phai đối với những người lính năm xưa tham gia chiến dịch…
Xuất xứ một cuộc hành quân
Sĩ quan Ngụy Trần Đỗ Cẩm viết: “Mục đích chính của cuộc hành quân là cắt đứt nguồn tiếp vận của “Cộng quân” bên Lào qua đường mòn Hồ Chí Minh”. Quân đội Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đặt tên cuộc hành quân là “Lam Sơn 719”. Cuộc hành quân này được bắt đầu ngày 8-2-1971 và kết thúc vào ngày 23-3-1971.
Phạm vi của cuộc hành quân “Lam Sơn 719” rộng chừng 20km, dài 50km, thuộc vùng Nam Lào, dọc theo đường số 9 nối liền Khe Sanh Việt Nam tới thị trấn Savannakhet (Lào). Quân Đoàn I (Ngụy) được tăng cường các đơn vị tại chỗ, sư đoàn dù, thủy quân lục chiến… là lực lượng trực tiếp tiến hành cuộc hành quân.
Trong cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, quân lực Mỹ chịu trách nhiệm khai quang các trục đường bộ và bảo đảm an ninh từ Đông Hà đến tận khu vực biên giới Việt-Lào. Sân bay quân sự Khe Sanh bị bỏ hoang nhiều năm, nay được tu sửa để sẵn sàng tiếp nhận các máy bay vận tải C-130, lập cầu hàng không hỗ trợ cho lực lượng tham gia cuộc hành quân. Ngoài ra, Mỹ còn có kế hoạch điều động B-52 để yểm trợ cuộc hành quân. (Chỉ tính trong một lần yểm trợ cho trung đoàn Ngụy rút quân, Mỹ đã tung B-52 ném 12 đợt xuống các khu vực tình nghi)
Theo tính toán của Mỹ-Ngụy, từ Cửa Việt tới Khe Sanh, quân Mỹ và quân VNCH đã có sẵn hệ thống căn cứ hoả lực, căn cứ hậu cần, các sân bay dã chiến hạng trung đảm bảo cho máy bay vận tải hạng nặng có thể lên xuống được. Hơn nữa, mạng lưới giao thông thuỷ - bộ khá thuận tiện cho việc cơ động lực lượng và phương tiện chiến tranh. Chúng cũng cho rằng, hệ thống phòng ngự đường 9 - Bắc Quảng Trị có thể trở thành bàn đạp để tiến công sang Lào, chặn đường tiếp tế của quân giải phóng (QGP).
Để tổ chức cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ và Sài Gòn đã huy động 42.000 quân, trong đó 33.000 ngụy quân, 9.000 lính Mỹ. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh, trong đó có 10 trung đoàn quân đội VNCH, một trung đoàn bộ binh Mỹ, 2 thiết đoàn (464 xe tăng, bọc thép), 16 tiểu đoàn pháo (250 khẩu), 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay ném bom chiến lược B52.
Đâu có “ngon ăn”
Theo tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: “Khi được trên thông báo âm mưu của địch, tôi nghĩ ngay tới bước phiêu lưu đầy chủ quan của Hoa Kỳ và quân Ngụy. Bởi điều đơn giản nơi đây là chiến trường rừng núi, không phải là "đất dụng võ" của cả lính Mỹ lẫn Ngụy. Thứ hai, đã từ lâu, trong tầm nhìn của “Bộ thống soái”, Đường 9 - Nam Lào là chiến trường dành cho sự đối đầu giữa chủ lực hùng mạnh của QGP với bất cứ lực lượng nào của đối phương. Đường 9 là nơi có mặt cắt chính diện rộng nhất của tuyến chi viện chiến lược bao gồm cả hành lang đông và tây Trường Sơn, là cửa mở quyết định nhất. Do vậy, ta đã tập trung binh lực kỹ càng, đặc biệt là xây dựng thế trận tác chiến phòng không, lực lượng chiến đấu tại chỗ, cơ sở hậu cần kỹ thuật dự trữ hùng hậu cho chiến trường. Lực lượng chủ lực tinh nhuệ thiện chiến của ta, đặc biệt là lực lượng dự bị chiến lược sẽ không buông tha mọi động thái của địch ở địa bàn chiến lược này. Vào đây, địch sẽ chui vào rọ.”
Trong ba ngày đầu, quân địch vượt biên giới hùng hổ tiến công lên đường số 9, Bộ tư lệnh QGP đã chỉ thị cho các đơn vị, binh trạm: Nhử địch vào thật sâu, sẵn sàng chủ động tiến công vào các đội hình trực thăng của chúng. Sử dụng mọi vũ khí, phát huy mọi tầm hoả lực, kiên quyết tiêu diệt địch, với khẩu hiệu: "Cứ cho nó đến, quyết không cho về”. Ba ngày, trực thăng bay đầy trời khu vực Sê Pôn, Bản Đông, đổ quân ào ạt. Thấy "ngon ăn", một vài đơn vị đề nghị cho đánh. Bộ Tư lệnh vẫn kiên trì, chỉ thị cho lực lượng cao xạ bình tĩnh theo dõi, bám sát địch. Chỉ được sử dụng súng máy, nhưng cũng chỉ là gây cho đối phương chủ quan. Sang ngày thứ tư, ngoài đổ quân, máy bay địch đã trút theo vũ khí, trang bị. "Mẻ lưới" đã nặng tay, Bộ đội Trường Sơn phát lệnh nổ súng. Lực lượng cao xạ của Trung đoàn 591 ở Bản Đông, các trung đoàn, tiểu đoàn cao xạ cơ động của Binh trạm 41 ở Cu Bốc, Binh trạm 27 ở Bản Đông - cầu Ka Ky và Binh trạm 18 ở Tà Khống đã cùng hoả lực phòng không của chiến dịch tập trung diệt trực thăng và lực lượng đổ bộ đường không của địch. Lưới lửa phòng không "thiên la địa võng" của ta đã chụp lên đầu chúng. Máy bay địch bị bắn hạ khá nhiều. Lính đổ bộ đường không lớp bị tiêu diệt, lớp bị bắt. Mỹ - Nguỵ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Đường 9.
Ngay sau đó, Đài BBC đưa tin, quân đội VNCH đã vấp phải lưới lửa phòng không dày đặc chưa từng thấy của đối phương, 50 máy bay lên thẳng bị bắn hạ!!! (Sau này, tổng hợp toàn chiến dịch, lực lượng phòng không của ta bắn cháy hơn 100 trực thăng). Tới ngày 12-2 pháo ta cấp tập mở màn giai đoạn chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận…
Nỗ lực cuối cùng của Mỹ -Ngụy
Bị tiến đánh trên khắp mặt trận, địch chủ trương chiếm các điểm cao dọc đường 9 và xung quanh, tạo các căn cứ hoả lực để chi viện cho chiến xa, bộ binh lùng sục, đánh phá các căn cứ, kho tàng của ta sâu trong đường 9 Nam Lào và cắt ngang tuyến vận tải chiến lược. Tuy nhiên, với chiến thuật phản kích, vây, ép, chia cắt địch, tiến công địch trên toàn tuyến. Trong khi đó, địch càng tiến càng bị sa lầy.
Sau gần 1 tháng vây hãm, ngày 8-3-1971, quân ta trên các hướng đồng loạt phản công địch. Hơn 40.000 sĩ quan, binh lính quân đội VNCH tham gia cuộc hành quân “Lam Sơn 719” bắt đầu hoang mang, khiếp sợ. Trên nhiều khu vực từ Lao Bảo đến giáp Sê Pôn, lực lượng địch bị bao vây, chia cắt như “cá nằm trên thớt”, mất hết ý chí chiến đấu. Sau này tướng Mỹ W. Oét-mo-len trong hồi ký của mình đã viết: “Quân Bắc Việt Nam bắt đầu phản công quyết liệt. Sức ép của họ hết sức nặng nề, hoả lực bắn máy bay của họ hết sức ác liệt, đến mức trong một số trường hợp không thể tiếp tế được”. Nhận xét về tình hình chiến sự, tướng Đồng Sĩ Nguyên khái quát: “Về phía Mỹ, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến 1971 đã tròn 17 năm với 4 đời tổng thống. Dù là "Phòng tuyến chống xâm nhập" dưới "triều đại" Ai-xen-hao; các cuộc hành quân "Hoành Sơn" thời Kennedy; "Hàng rào điện tử McNamara", chiến thuật huỷ diệt cửa khẩu với hàng loạt vũ khí, khí tài tinh vi, hiện đại thời Giôn-xơn; và đến kế hoạch hành quân "Lam Sơn-719" đầy tham vọng trong thời Nixon… thì mục tiêu chiến lược xuyên suốt của đế quốc Mỹ vẫn là chặn, cắt, vô hiệu hoá tuyến vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Các đời Tổng thống Mỹ biến mình trở thành "con bạc" khát nước trong "canh bạc" ngăn chặn tuyến giao thông huyết mạch của ta. Chính vì thế, "Cuộc hành quân Lam Sơn-719 được xem như nỗ lực cuối cùng của Mỹ nhằm “ăn thua đủ với ta” trong canh bạc này”.
Trần Danh