QĐND - Nước ta tuy không lớn về lãnh thổ, dân số cũng không đông lắm, nhưng do vị trí địa lý chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nên thường xuyên phải chống lại kẻ thù xâm lược. Dân tộc Việt Nam đã nhiều lần giáp mặt với những đế quốc xâm lăng giàu mạnh hơn mình nhiều lần. Qua các triều đại, từ lòng yêu nước của người Việt Nam cùng với tài thao lược chiến trận của cấp lãnh đạo mà chủ quyền, độc lập nước nhà luôn được giữ vững, tiêu biểu nhất là trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Sự phối hợp tài tình các thứ quân, cùng với lối đánh sáng tạo là một trong những yếu tố căn bản để chúng ta giành thắng lợi, trong đó chiến tranh du kích đã góp phần không nhỏ.
 |
Đội Du kích Ba Tơ quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng tại căn cứ Nước Sung tháng 5-1945. Ảnh tư liệu. |
Ngẫm lại từ xưa, các anh hùng dân tộc đã từng áp dụng kiểu chiến tranh du kích để chống giặc ngoại xâm. Thời đế quốc Mông Cổ hùng mạnh, vó ngựa quân đội của họ đã làm cho nhiều nước châu Âu khiếp sợ, họ hung hăng phá nhiều thành luỹ kiên cố, rồi lấy vũ khí, lương thực để sử dụng đánh chiếm hết nước này đến nước khác. Thế nhưng khi đến Việt Nam, với tài chỉ huy quân sự của vua tôi nhà Trần, vó ngựa Mông Cổ phải bó tay với làng quê Việt Nam, với ruộng đồng sông nước. Thành trì của ta thời ấy không kiên cố mấy, quan quân áp dụng chiến thuật rút lui về những vùng hiểm trở để bảo toàn lực lượng, bỏ trận địa "vườn không, nhà trống", rồi phát động những trận đánh bất ngờ tiêu hao quân địch. Quân đội nhà Trần đã phát huy được ưu thế tuyệt đối về thủy chiến, làm cho quân địch vốn yếu mặt này phải bao phen khốn đốn. Tương tự như thế, nhiều triều đại phong kiến hưng thịnh đã có không ít cuộc chiến tranh vệ quốc làm nên những chiến công vang dội bằng lối đánh du kích. Từ khi có Đảng lãnh đạo, trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh du kích gần như được đúc kết và phát triển hiệu quả đến cao độ.
Chiến tranh du kích là sử dụng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ chống lại lực lượng lớn, dùng vũ khí thô sơ chống với vũ khí hiện đại, dùng lối đánh cơ động nhanh nhẹn mà vô hiệu hóa đội quân đông đúc. Địa bàn tổ chức chiến tranh du kích có thể bất cứ ở đâu, miễn phù hợp có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Trong lúc đối phương xây những cứ điểm lớn, dựng đồn bốt tập trung nơi đô thành, thị trấn,… thì du kích quân lại len lỏi hoạt động trong các thôn bản, xóm làng, ngõ phố,… dựa vào nhân dân mà sống, qua đó nắm bắt tình hình để hình thành những trận đánh chớp nhoáng, làm cho địch mất ăn, mất ngủ, gây cho địch tổn thất lớn lao. Binh pháp người xưa có câu: “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”, quân đội cách mạng vừa có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Trong bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương lại có những bộ phận chuyên biệt như trinh sát, đặc công… Tuy bộ đội chủ lực là chính binh (đánh những trận lớn cấp sư đoàn, quân đoàn), bộ đội địa phương cấp trung đoàn trở lên cũng được coi là chính binh, nhưng trong chính binh vẫn có kỳ binh (chuyên thực hiện kiểu trận đánh úp, bất ngờ). Chính là đánh trực diện, dàn trận; kỳ là đánh bọc hậu, thọc mạn sườn, thế trận thường phối hợp chính và kỳ. Những trận “dương đông kích tây”, đánh vận động làm cho đối phương không phòng thủ, trở tay không kịp là “công kỳ vô bị”. Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị trở thành sở trường của chiến tranh du kích Việt Nam. Chiến tranh du kích giúp cách mạng bám đất giữ làng, từ rừng núi đến đồng bằng hay biển, đảo đâu đâu cũng có quân du kích. Trong những vùng địch chiếm đóng, ban ngày du kích quân lánh mặt nơi bí mật hoặc tìm cách sống hợp pháp, ban đêm hoạt động nắm địa bàn, gần gũi nhân dân phát động chiến tranh yêu nước. Trên biển cả, kẻ địch khó biết được đâu là tàu của ngư dân, đâu là tàu làm nhiệm vụ vận chuyển binh lương, giữ biển như giữ làng. Nhờ thế mà phong trào cách mạng là ngọn lửa không bao giờ tắt, sẵn sàng bùng cháy ở mọi nơi, mọi lúc để tiêu diệt quân thù. Nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng kiểu chiến tranh du kích vào mục đích quân sự của họ, tác dụng cũng khá hiệu quả.
Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự tài tình của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự đồng lòng của toàn dân. Cuộc chiến nay tuy đã lùi về quá khứ nhưng tính chất anh hùng mãi vẫn là dấu son thời đại. Trong ấy, Du kích Bắc Sơn, Du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi), Du kích làng Đồng Khởi (Bến Tre)… và biết bao nơi khác đã minh chứng cho giá trị của chiến tranh du kích trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều du kích quân nay đã trở thành nhà chính trị, Anh hùng LLVT nhân dân và cũng nhiều người đã ngã xuống, nhưng gương liệt sĩ đời đời sáng tỏ. Nhân chuẩn bị kỷ niệm 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2011), nhắc lại chiến tranh du kích như một điều để ghi nhớ về sự vận dụng tài tình "ấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh…". Đó cũng là bài học để chúng ta tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV ngày nay.
Bùi Văn Tạo