QĐND - Chiếc mũ sắt do Liên xô (cũ), sản xuất, han gỉ, mất lớp lót trong, đã được cựu chiến binh Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 tìm được tại cao điểm Chư Tan Kra, trong chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ của đơn vị, tháng 3-2009.
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, thay mặt cựu chiến binh Trung đoàn 209, trao tặng Cuộc vận động sưu tầm, giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” chiếc mũ sắt. Đây là di vật của một trong số 200 liệt sĩ quê Hà Nội đã hy sinh tại Chư Tan Kra, ngày 25-3-1968. Ông kể:
“Ngày 27-3-1967, 1.500 chàng trai Hà Nội nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Tiểu đoàn 7, 8 và một số đại đội trực thuộc hầu hết là lính Hà Nội “xịn”. Họ đều ở độ tuổi 18 đến 20, rất nhiều người trong số họ là sinh viên các trường đại học, tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Họ được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là đoàn viên. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên, Hòa Bình như đánh trận giả, đi bộ, hành quân mang vác, cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực và đặc biệt được huấn luyện kỹ chiến thuật.
Khi được lệnh vào chiến trường, 209 là trung đoàn bộ binh duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt Liên Xô cùng với các vũ khí, khí tài như súng B40, B41, súng phun lửa, đại liên kiểu mới nhất, mặt nạ phòng hóa… Đơn vị được mệnh danh là “lính trung đoàn mũ sắt”.
 |
Chiếc mũ sắt di vật liệt sĩ được trao tặng Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu "Những kỷ vật kháng chiến" |
Chúng tôi hành quân bằng xe ô tô Giải phóng từ Hòa Bình qua đường Hồ Chí Minh, ngã ba Đông Dương và từ đó hành quân bộ vào Tây Nguyên, địa điểm tập kết ở thượng nguồn sông Sa Thầy. Vào đến Tây Nguyên, Trung đoàn 209 đổi tên thành 320 của Sư đoàn 1, Tiểu đoàn 7, 8, 9 được mang mật danh là K4, K5, K6. Trung đoàn được lệnh đánh căn cứ và sân bay Klieng. Đoán biết được hướng chuyển quân của ta, ngày 21-3-1968, Mỹ cho Tiểu đoàn 3/8, Sư đoàn 4 bộ binh đổ quân thiết lập căn cứ tại tọa độ YA 939913 (Chư Tan Kra) để ngăn chặn quân ta di chuyển về Klieng và thị xã Kon Tum. Chúng củng cố công sự vững chắc, xây dựng lô cốt bê tông, lập hàng rào kẽm gai có máy dò tiếng động, gài các loại mìn để phòng thủ, trên đỉnh còn xây trận địa pháo 105mm, 155mm.
C1, C2 của Tiểu đoàn 7 mang mật danh K4, là đơn vị chủ công vinh dự được tham gia đánh trận đầu tiên ở Chư Tan Kra với quân Mỹ có lô cốt công sự vững chắc trên đỉnh núi. Hồi đó, tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209 mang mật danh K5. Đơn vị của tôi không tham gia trận Chư Tan Kra, do nơi trú quân cách Chư Tan Kra khoảng 1-2 trạm giao liên”. Chư Tan Kra là dãy núi hình vòng cung hướng Nam-Bắc, ôm một phần thung lũng Klieng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao 1.198m. Từ trên sườn đông Chư Tan Kra, có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Klieng phía dưới. Đây là một căn cứ quan trọng của Mỹ-ngụy, án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30km về phía đông.
Đêm 25-3-1968, các đơn vị của K4 đã vào vị trí tập kết, nằm phục sẵn trên các triền đồi của đỉnh Chư Tan Kra, vây quanh căn cứ của quân Mỹ. Khoảng 3 giờ 20 phút sáng 26-3-1968, một loạt pháo hiệu của chỉ huy trận đánh bay vút lên không trung, tiếp theo là tiếng kèn xung trận rung động cả cánh rừng. Mìn ĐH-10, bộc phá, đạn cối 60mm, 82 mm của ta thi nhau rót vào phía tây, tây bắc vành đai phòng thủ của địch. Sau khi chọc thủng lớp rào dây thép gai vành đai, các mũi cơ động của C1, C2 xung phong chớp nhoáng, mãnh liệt và đồng loạt vượt qua cửa mở xông thẳng vào đánh chiếm các ụ súng, nhanh chóng phát triển vào trung tâm, đánh phá các trận địa pháo và chỉ huy sở địch bằng các loại hỏa lực dày đặc và sử dụng súng phun lửa để đánh chiếm các công sự. Bị đánh bất ngờ, lính Mỹ không kịp trở tay, la hét, chạy hỗn loạn. Chúng bị thương vong khá nhiều buộc phải rút lui về khu công sự pháo binh. Cả tiểu đoàn Mỹ co cụm lại trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh Chư Tan Kra chờ quân tiếp viện. Khoảng 4 giờ sáng, Trung đoàn 209 mở mũi tiến công thứ hai vào vành đai phía tây vào trận địa pháo. Địch gom lực lượng phản kích lại. Ta giành giật với địch từng ụ súng, từng công sự ở trận địa pháo… Nửa tiếng sau, khoảng 4 giờ 30 phút, địch cho pháo bầy từ Klieng dập xuống khắp bốn phía chân cao điểm. Máy bay C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng cả một vùng. Máy bay tiêm kích lao tới cắt bom. Máy bay AC-47 vũ trang thả pháo sáng và chở súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút được điều tới, điên cuồng vãi đạn xuống quanh Chư Tan Kra theo hình xoáy trôn ốc. Chư Tan Kra bỗng chốc biến thành hàng rào lửa khổng lồ. Quân dự bị của K6 vào trận, tiếp tục cùng đơn vị bạn tiến công địch. Người này ngã, người kia tiến lên xả đạn về phía địch. Chiến đấu quyết liệt như vậy cho tới khi trời hửng sáng. Giao tranh bên trong và xung quanh chu vi phòng thủ tiếp diễn đến 7 giờ. Trực thăng Mỹ ùa tới đổ thêm quân tái chiếm cao điểm. Lúc đó những người còn sống hầu hết bị thương, đơn vị được lệnh rút lui.
Trở về địa điểm tập kết nơi giấu quân, đơn vị kiểm tra lại quân số thiếu vắng đến 70%. Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, Đại đội phó Hoàng Nhạc và 200 lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về. Bữa cơm sáng hôm ấy, những nắm cơm nắm anh nuôi chuẩn bị sẵn bày la liệt mà chẳng có quân ăn… Họ đã vĩnh viễn nằm lại trên đỉnh Chư Tan Kra hùng vĩ, nơi có rừng cổ thụ đại ngàn và những dòng suối trong vắt chảy qua…
41 năm sau, những người lính của Trung đoàn 209 trở lại Chư Tan Kra tìm đồng đội. Chúng tôi đã khai quật nhiều hố chôn tập thể thấy xương của các liệt sĩ lẫn vào nhau… tất cả đều bị đốt bằng xăng. Bên cạnh xương cốt của liệt sĩ, chúng tôi tìm được dép cao su, mũ sắt, súng AK…
Thay mặt cựu chiến binh Trung đoàn 209, tôi đã gửi thư kiến nghị tới Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị xem xét xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội đã hy sinh tại Chư Tan Kra. Đây sẽ là công trình nhiều ý nghĩa ghi công lao của những người con Thủ đô đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc".
Bài và ảnh: Trần Thanh