QĐND - Thoạt nhìn, đó chỉ là một chiếc đèn chai cũ kỹ, có những chỗ còn bị sứt mẻ. Thế nhưng, khi tìm hiểu thì được biết đây là chiếc đèn chai đã được sư thầy Đàm Duyên (chùa Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mang theo vượt hàng nghìn ki-lô-mét dùng để soi đường giúp bộ đội và dân công vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (xem ảnh).

Chiếc đèn chai của sư thầy Đàm Duyên.

Sư thầy Đàm Duyên quê ở xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tu hành tại chùa Nam Ngạn. Đầu năm 1954, phong trào tự nguyện đi dân công phục vụ các chiến dịch của tỉnh Thanh Hóa diễn ra rộng khắp, thầy Đàm Duyên đã hai lần tự nguyện xung phong. Ngày ấy, những người có tên trong danh sách đoàn dân công gánh bộ được trang bị một đôi bồ, quang và đòn gánh, còn các vật dụng sinh hoạt khác, cá nhân phải tự lo. Chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài đồ dùng cá nhân, sư thầy Đàm Duyên đã tự tay làm chiếc đèn chai. Sở dĩ, thầy làm chiếc đèn như vậy là do ban ngày, đoàn dân công phải nghỉ trong rừng tránh bị địch phát hiện, đêm xuống dòng người mới bắt đầu di chuyển, nên rất cần ánh sáng soi đường. Với nỗ lực của bản thân, chiếc đèn chai được thầy hoàn thành, vừa có thể soi đường, vừa bảo đảm yếu tố bí mật, lại không bị tắt trong điều kiện mưa gió. Chiếc đèn chai thường được treo ở đầu đòn gánh của sư thầy, dẫn đoàn dân công trèo đèo lội suối, vượt hàng nghìn ki-lô-mét đường rừng đưa gạo tới các chiến trường.

Đất nước hòa bình, sư thầy Đàm Duyên nâng niu, cất giữ chiếc đèn chai cẩn thận. Ngày trao chiếc đèn chai tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sư thầy xúc động chia sẻ: “Chiếc đèn là vật kỷ niệm của những ngày đi dân công vất vả, gian nan, nhưng tràn đầy niềm vui, tự hào một thời tuổi trẻ của chúng tôi. Trao tặng nó cho bảo tàng là tôi phải chia tay với người bạn đã gắn bó suốt nhiều năm”.

Bài và ảnh: NGỌC ANH