QĐND - Tháng 9-1967, nhận chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trung tướng Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) trên cương vị Phó bí thư Trung ương Cục, Phó bí thư Quân ủy Miền, kiêm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, cùng Trung ương Cục dự thảo kế hoạch Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa và Bản kế hoạch chiến lược “Quyết tâm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam”, đã được Bộ Chính trị thông qua. Đồng chí Hoàng Văn Thái đã chỉ đạo các cấp, kịp thời xây dựng kế hoạch chiến lược, chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu. Những quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng được đồng chí Hoàng Văn Thái, cùng các đồng chí ở Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền, lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện triệt để trên chiến trường miền Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền, mà Trung tướng Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh Miền, từ ngày 27-10 đến 10-12-1967, quân và dân vùng ven đô tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự và chống phá bình định; đồng thời, sử dụng hai sư đoàn bộ binh, một sư đoàn pháo binh cùng bộ đội địa phương Bình Long, Phước Long mở Chiến dịch Lộc Ninh-Đường 13, lôi kéo, ghìm bộ phận quan trọng quân Mỹ ở vùng ngoài, tạo điều kiện chuẩn bị đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Tháng 10-1967, Trung ương Cục quyết định tổ chức lại chiến trường miền Đông theo yêu cầu nhiệm vụ mới; thành lập Đảng ủy tiền phương và hai Bộ chỉ huy tiền phương, phân công các đồng chí phụ trách các mũi tiến công, mũi nổi dậy và tiến hành xây dựng kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn.

Đồng chí Hoàng Văn Thái khẳng định: Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào, thời cơ chiến lược xuất hiện, yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất.

Ngay trong tháng 12-1967, theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Trung ương Cục và Quân ủy Miền gấp rút hoàn thành kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy, mật danh là kế hoạch “X”. Ngày 21-1-1968, Trung ương Cục ra nghị quyết tổ chức chỉ đạo kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Trung ương Cục gấp rút chuẩn bị lực lượng, bí mật vận chuyển, cất giấu một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược tại các vùng giáp ranh và ngay trong các thành phố, thị xã; triển khai một bộ phận lực lượng vũ trang (LLVT), được sự giúp đỡ của các cơ sở nội thành thâm nhập các thành phố trước ngày nổ súng. Đồng chí ra lệnh cho các LLVT toàn Miền: Tổ chức hiệp đồng giữa các đơn vị, các vùng và khu vực, bảo đảm bí mật để đồng loạt cùng một thời khắc tấn công và nổi dậy, đồng thời triển khai một số trận đánh, phối hợp với quân và dân địa phương đánh một số trận mở màn ở Lộc Ninh, Đắc Tô, Tuy Phước, Hậu Nghĩa... làm cho địch không phán đoán được hướng tiến công chính của ta.    

Trung ương Cục và Quân ủy Miền với nhãn quan chiến lược đã xác định trong Tổng tấn công và nổi dậy, Sài Gòn-Gia Định là chiến trường trọng điểm của trọng điểm, nơi có các mục tiêu quan trọng mà bằng bất cứ giá nào ta cũng phải đánh, để đánh thẳng vào ý chí xâm lược của kẻ thù.

Ngày giờ nổ súng mở màn cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa đến gần. Ngày 29-1-1968, Hội nghị Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền được triệu tập, đánh giá lại lần cuối công tác chuẩn bị. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, mệnh lệnh tiến công được bắt đầu. Quân Giải phóng và LLVT đồng loạt tiến công vào các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ và hàng loạt căn cứ, kho tàng, sở chỉ huy, sân bay, bến cảng... của địch, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Ngoài cuộc tiến công thẳng vào Sài Gòn, ta đã đánh 36 trong tổng số 44 tỉnh, 5 trong số 6 đô thị, 64 trong số 242 quận lỵ và nhiều ấp chiến lược.

Thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó thể hiện sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có phần đóng góp quan trọng của cơ quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy là Trung ương Cục, Quân ủy Miền và đồng chí Tư lệnh Hoàng Văn Thái. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Vị tướng trận mạc đã trải qua thực tiễn hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; xứng đáng là học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

HỮU THÀNH

(Ban tổng kết và biên soạn lịch sử Bộ Tổng tham mưu)