QĐND Online- Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tổ chức nhiều cuộc vận động một số nước ở châu Phi có quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đại sứ ta tại Pháp có nhiều cuộc gỡ với đại sứ các nước ở Paris và đi đến các nước để chuẩn bị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ C
QĐND Online- Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết, nhân dân Việt Nam đã “đánh cho Mỹ cút” giành thắng lợi quyết định. Bước tiếp theo là “đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đó là quá trình đấu tranh quyết liệt và phức tạp trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Trong đấu tranh ngoại giao và các hoạt động quốc tế để buộc Nguyễn Văn Thiệu phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris của các lực lượng, diễn ra mạnh mẽ, phong phú và đa dạng. Tiêu biểu là Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp đã có các hoạt động vận động các nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh thống nhất đất nước. Quá trình đó, có một câu chuyện thú vị tại Pháp đã nói lên một chân lý sáng ngời.
 |
Quảng Trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập |
Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tổ chức nhiều cuộc vận động một số nước ở châu Phi có quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đại sứ ta tại Pháp có nhiều cuộc gỡ với đại sứ các nước ở Paris và đi đến các nước để chuẩn bị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước đó. Quá trình đó, Đại sứ ta luôn tranh thủ vận động họ công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những hoạt động đó đã đạt kết quả tốt đối với một số nước như Bê Nanh, Công Gô, Angola,... ở châu Phi và Bồ Đào Nha ở Tây Âu. Đối với một số nước khác mặc dù chưa có kết quả ngay do điều kiện của họ, nhưng hầu hết đều đã bày tỏ tình cảm với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với nước Mađagatca có câu chuyện khá thú vị như sau: Nhân dịp ông Ratsiraca Ngoại trưởng nước Mađagatca (sau này trở thành Tổng thống Mađagatca) có chuyến công tác qua Paris, đồng chí Võ Văn Sung, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp xin gặp và đặt vấn đề Mađagatca công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với cách nói thân thiết của một người bạn, ông cho biết không bao giờ công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng chí Võ Văn Sung hỏi lý do vì sao? Ông Ratsiraca trả lời “vì Mađagatca đã có quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và không có quan hệ với chính quyền Sài Gòn”1. Ông Ngoại trưởng còn khẳng định: “Đối với chúng tôi thì nước Việt Nam là một, chỉ có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của “Bác Hồ”2. Vì vậy, “nếu công nhận bất kỳ một chính phủ nào khác là trái với nguyên tắc mà chúng tôi tôn trọng: nước Việt Nam là một! Chúng tôi đã từ chối việc công nhận bọn bù nhìn ở Sài Gòn”3. Đồng chí Võ Văn Sung giải thích lại tình hình miền Nam và chính sách của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam; những điều khoản của Hiệp định Paris và những vấn đề thuộc về quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ miền Nam Việt Nam, ở đó có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát,... Thấy ông Ratsiraca còn phân vân, đồng chí Võ Văn Sung đã phải nói rằng: “Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng là anh em chúng tôi cả” và “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Cách mạng lâm thời tuy hai cũng như một, nhưng tuy một mà cho đến khi Việt Nam tái thống nhất thì vẫn phải là hai”4. Khi hiểu ra vấn đề, ông Ratsiraca hứa sẽ báo cáo về Chính phủ. Hơn một tuần sau đó, Đại sứ quán Mađagatca ở Paris báo cho Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp biết là Mađagatca đồng ý công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Bạo
1,2. Võ Văn Sung (2005), Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Nxb QĐND, tr.88.
3, 4. SĐD, tr.88-89.