QĐND - Nếu như đợt 1 năm 2014, tỷ lệ công dân trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, THCN) TP Hà Nội trúng tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) chiếm 36,6% thì đợt 2 này, con số đó đã là 40,1%, tăng 3,5%... Vậy, TP Hà Nội đã làm gì để đạt được kết quả đó? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đi tìm hiểu thực tế.
Tổ chức chặt chẽ ở tất cả các khâu
Là thành phố nhưng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. Do đối tượng công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ rộng nên ảnh hưởng đến nguồn tuyển chọn. Cùng với đó, số lượng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS thường xuyên di chuyển, biến động do đi làm ăn xa, nhập học và tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, THCN, trường dạy nghề trên địa bàn cao; tỷ lệ công dân mắc các bệnh về mắt như: Cận thị, viễn thị cao. Sau khi sáp nhập, Hà Nội hiện nay không chỉ có đô thị mà có cả nông thôn và miền núi, không chỉ có dân tộc Kinh mà còn có cả dân tộc thiểu số...
 |
Lãnh đạo xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tặng quà, động viên các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ đợt 2 năm 2014.
|
Để khắc phục khó khăn, hạn chế những tác động không thuận từ tình hình trên, theo Trung tướng Phí Quốc Tuấn-Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Hội đồng NVQS thành phố đã chỉ đạo Hội đồng NVQS các cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo bằng nghị quyết hằng tháng, hằng quý. Ban CHQS các quận, huyện, thị xã cử cán bộ phụ trách, theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai. Quán triệt yêu cầu chọn công dân có trình độ để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, TP Hà Nội chủ trương ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, THCN. Theo đó, Hội đồng NVQS thành phố chỉ đạo các địa phương rà soát, phúc tra, kiểm tra đến từng gia đình, từng công dân để nắm chắc ngay từ đầu số lượng, chất lượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ. Các địa phương tổ chức sơ tuyển, xét duyệt nắm chắc số lượng công dân ở cả 3 cấp (thôn, xã, huyện) trên 4 nội dung: Chính trị; văn hóa; sức khỏe; chính sách miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ, bảo đảm công khai, dân chủ. Cách làm này đã khắc phục được tình trạng nhầm lẫn trong việc gọi công dân đi khám sức khỏe, hạn chế thấp nhất số lượng điều khám, giảm tốn kém, tránh dư luận không tốt.
Tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Đăng Nguyên, Bí thư Đảng ủy, cho biết: "Năm nay, xã được giao 7 chỉ tiêu nhưng có 1 công dân quyết tâm xung phong nhập ngũ nên sau khi đề nghị trên xem xét và đồng ý, xã có 8 công dân trúng tuyển. Trong số 8 công dân nhập ngũ đợt này, có 4 người tốt nghiệp THCN trở lên". Thanh niên Nguyễn Bá Chung là người xung phong nhập ngũ, phấn khởi khoe: “Được các bác, các chú đã qua quân ngũ kể chuyện chiến đấu và cuộc sống trong quân đội, em thấy đó là môi trường tốt để mình thử sức. Trúng tuyển NVQS lần này, em rất vui và sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương”.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Ninh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mỹ Đức, khác với những năm trước, năm nay, Ban CHQS huyện Mỹ Đức tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện thành lập hai Hội đồng khám sức khỏe NVQS và phân công từng thành viên trong hội đồng phụ trách các xã, thị trấn, giao chỉ tiêu điều khám sức khỏe và chỉ tiêu thanh niên nhập ngũ. Đồng thời tổ chức khám tập trung một điểm tại Bệnh viện Đa khoa huyện, nhờ đó đã giảm thời gian khám tuyển từ 5 ngày xuống còn 1,5 ngày. Cách làm trên vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí, vừa tập trung được phương tiện, bảo đảm khám chất lượng. Ngoài ra, Hội đồng NVQS huyện Mỹ Đức còn chỉ đạo các xã công khai danh sách sơ tuyển và danh sách tạm miễn, tạm hoãn tại các điểm công cộng, phát trên mạng lưới truyền thanh... Nhờ đó, ở Mỹ Đức không có thắc mắc, khiếu nại về tuyển quân. Ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, năm nay, số công dân nhập ngũ của huyện Mỹ Đức có gần 40% trình độ ĐH, CĐ, THCN, tăng 15% so với năm 2013.
Tuyển quân không có "vùng cấm"
Đến gia đình chị Đồng Thị Ngọc Linh ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, chúng tôi được biết, thanh niên Mai Đức Nguyên là con trai duy nhất trong gia đình. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch, Nguyên vào làm đầu bếp một nhà hàng lớn, thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng em vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chị Linh, mẹ của Nguyên, tâm sự: “Cháu đang có công việc và thu nhập ổn định cũng đỡ cho gia đình. Nhưng khi cháu nói sẽ đi bộ đội để rèn luyện và trưởng thành, cả nhà ai cũng mừng. Gia đình tôi có ông nội, bố cháu cũng từng là bộ đội nên càng hiểu ước nguyện của cháu và mong nó sẽ phát huy truyền thống gia đình, hoàn thành tốt NVQS, nếu được trên quan tâm, tạo điều kiện phục vụ quân đội lâu dài càng tốt”. Nhiều năm, quận Hà Đông được Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đánh giá là địa phương dẫn đầu trong công tác tuyển quân. Năm nay, số công dân có trình độ ĐH, CĐ, THCN trúng tuyển NVQS của Hà Đông tiếp tục tăng mạnh, đạt 50% (tăng 19,6% so với năm 2013). Khi được hỏi về kinh nghiệm, Trung tá Vương Tuấn Bích, Chính trị viên, cho hay: "Vấn đề cốt lõi vẫn là công tác tuyên truyền để mọi công dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc...".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm nay, thị xã Sơn Tây có 50% công dân nhập ngũ có trình độ ĐH, CĐ, THCN, tăng 34% so cùng kỳ năm 2013. Cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức nhập ngũ năm nay của thị xã Sơn Tây cũng tăng đột biến. Trong tổng số 77 thanh niên nhập ngũ đợt này có 32 người là con cán bộ, đảng viên; 14 người là công chức... Để đạt được kết quả trên, Ban CHQS thị xã đã tham mưu với Ban Thường vụ Thị ủy đưa chỉ tiêu cụ thể vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tuyển quân và xác định công tác tuyển quân không có "vùng cấm”. Năm 2014, thị xã đặt ra chỉ tiêu có 35% công dân nhập ngũ có trình độ THCN trở lên và yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải gương mẫu thực hiện Luật NVQS... Bên cạnh đó, Ban CHQS thị xã tham mưu cho Hội đồng NVQS thực hiện tốt “tròn khâu”, đặc biệt khi sơ tuyển, thị xã tổ chức một địa điểm, tham dự có các tổ công tác, xét thấy trường hợp nào không đủ điều kiện sức khỏe, đạo đức… thì loại ngay. Đồng chí Trần Đức Dũng, Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh, trao đổi kinh nghiệm: “Muốn hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân, trước hết, cấp ủy Đảng, chính quyền phải phát huy tốt vai trò của Hội đồng NVQS, nhất là vai trò định hướng của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đối với thanh niên trong độ tuổi”. Cùng với việc định hướng và tổ chức chu đáo cho thanh niên trước khi lên đường, phường Xuân Khanh còn làm tốt công tác đón các quân nhân hoàn thành NVQS trở về, phối hợp với những doanh nghiệp trên địa bàn tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm phù hợp cho anh em.
Theo Thượng tá Nguyễn Khương Mẫn, Phó trưởng Phòng Quân lực, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, từ ngày 30-8 đến 5-9, các địa phương của thành phố đã tổ chức tiếp nhận và cấp quân trang cho công dân chuẩn bị nhập ngũ, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động báo công tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng và giao lưu văn hóa văn nghệ, gặp mặt, tặng quà các thanh niên trước lúc lên đường... Tất cả những công dân trúng tuyển của Hà Nội đã sẵn sàng cho ngày hội lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Trong tổng số 1.978 thanh niên nhận lệnh nhập ngũ đợt 2 năm 2014 của thành phố, số có sức khỏe loại 1 đạt 21,1%, loại 2 đạt 57,7%; trình độ ĐH, CĐ, THCN đạt 40,1% (tăng 3,5% so với đợt 1 năm 2014); tỷ lệ dự phòng chỉ còn 4,1%, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. |
Bài và ảnh: LÊ DUY HỒNG