Trong thi đấu các môn thể thao, đặc biệt là nội dung thi môn Chiến sĩ khỏe, bên cạnh những tố chất sẵn có, đòi hỏi mỗi VĐV phải có sức khỏe toàn diện, dẻo dai, vì quá trình tập luyện sẽ tiêu tốn một lượng calo rất lớn. Khác với nhiều VĐV khác, tuổi thơ của Sơn là những ngày tháng gắn bó với đồng ruộng trên vùng quê lúa Thái Bình. Với thân hình gầy gò, dáng đi hơi gù, lại chưa từng trải qua lớp đào tạo thể thao nào, nên mới nhìn thoáng qua, trông Sơn không giống như một VĐV thể thao. Nhưng ẩn chứa bên trong anh là ý chí mạnh mẽ và nghị lực luôn biết vượt lên chính mình. Ngay từ lần tham gia hội thao đầu tiên (năm 2006), Sơn đã được quân khu tặng bằng khen tại Đại hội TDTT quân khu vì đạt thành tích xuất sắc trong môn thi Chiến sĩ khỏe.

 Lê Công Sơn giành Huy chương vàng (đứng vị trí số 1) tại Đại hội TDTT Quân khu năm 2013.

Để có được những huy chương, bằng khen, giấy khen..., Sơn phải trải qua quá trình “khổ luyện” thường xuyên, với bao gian nan, vất vả, nhiều lần bị sái khớp, bong gân, giãn dây chằng, có khi cả máu và nước mắt rớt xuống nền bãi tập. “Tôi còn nhớ tại Đại hội TDTT Quân khu năm 2009, tham gia môn thi Chiến sĩ khỏe, trong quá trình luyện tập xà đơn và các bài tập bổ trợ, các vết rộp, trợt da tay làm tôi và đồng đội bị chảy máu kéo dài dai dẳng, nhiều khi đang tập thì rơi khỏi xà. Để nâng cao thành tích tập luyện, tôi đã nảy ra sáng kiến dùng găng tay bằng da của quả bóng chuyền để làm đệm lót tay mỗi khi lên xà. Chính vì vậy mà các vết phồng, rộp ở tay cũng dần khỏi; thành tích không ngừng nâng cao, từ việc chỉ kéo được 30 đến 35 lần, tôi đã nâng lên 70 đến 80 lần. Hội thao quân khu năm đó, tôi đã giành giải nhất toàn năng, xác lập kỷ lục mới với 2.387 điểm (vượt 150 điểm kỷ lục cũ), góp phần chung vào giải nhất đồng đội, phá kỷ lục đồng đội với 8.900 điểm (vượt kỷ lục cũ 1.300 điểm)”- Sơn tâm sự.

Đối với Sơn, sau mỗi thành tích đạt được, anh lại bắt tay vào chinh phục những thử thách mới. Nhiều lúc tưởng chừng như thử thách bắt anh phải dừng bước nhưng anh đã biến những khó khăn thành động lực để chinh phục những tấm huy chương. Nhìn tấm huy chương vàng mà anh giành được năm 2011 trong Hội thao toàn quân, Sơn kể: “Quy chế hội thao quy định các vận động viên không được dùng bao tay khi lên xà trong khi hai bàn tay tôi lại bị rộp, trợt da. Vừa đau đớn nhưng vẫn phải luyện tập với cường độ cao, vợ lại vừa sinh con trai đầu lòng, mẹ đẻ bị tai biến, tôi đã cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản. Đã có lúc tôi nảy ra ý nghĩ xin ra khỏi đội, nhưng ý chí lại mách bảo tôi rằng, đây vừa là danh dự, vừa là trách nhiệm của bản thân; nếu đạt thành tích tốt sẽ đóng góp vào thành tích chung của đội tuyển, đồng thời là món quà để tặng con nhỏ mới chào đời. Để hỗ trợ co tay xà đơn hiệu quả, tôi đã buộc tạ vào tay, kéo giữ để tăng sức chịu đựng, kết hợp treo giữ trên xà tính thời gian... Năm đó, tôi tiếp tục giành giải nhất toàn năng môn Chiến sĩ khỏe và xác lập cho mình kỷ lục mới”.

Trung úy QNCN Lê Công Sơn (bên phải, hàng thứ nhất) và tấm Huy chương vàng trong Hội thao võ chiến đấu tay không năm 2015. 

Trong Hội thao võ chiến đấu tay không năm 2015, mặc dù không phải là nội dung sở trường, nhưng với nền tảng thể lực và bản lĩnh được tôi luyện trong các kỳ đại hội thể thao, Sơn tích cực rèn luyện các kỹ thuật phòng thủ và phản công, nâng cao khả năng chịu đòn. Bằng sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, anh giành tấm Huy chương vàng ở hạng cân 54-57kg. Chúng tôi hỏi Sơn về bí quyết của những thành công trong hội thao, Sơn chỉ cười và khiêm tốn: “Bên cạnh việc chăm chỉ luyện tập một cách khoa học, việc ăn ngủ điều độ, ý chí bền bỉ, tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng sẽ là nhân tố quyết định kết quả mà mỗi vận động viên sẽ đạt được”.

Không chỉ đạt thành tích cao trong hội thao, Lê Công Sơn còn là người cán bộ gương mẫu, trách nhiệm trong công việc. Với 11 năm trong quân ngũ, anh đã giành được 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng trong hội thao toàn quân; 2 Huy chương vàng hội thao quân khu; 2 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 7 Bằng khen, 5 Giấy khen các loại.

Bài, ảnh: LÊ GIA ĐỒNG