Nói đến pháo binh Việt Nam, có lẽ không ít người trong số chúng ta sẽ hình dung ngay đến những khẩu pháo được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ hay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tuy nhiên, sự phát triển của pháo binh Việt Nam là câu chuyện trải dài qua nhiều thế kỷ, chứa đựng trong đó nhiều điều lý thú…

Kỳ 1: Từ súng bắn đá đến cỗ đại bác nòng kim loại

Những đội lính bắn đá thời Lý

Kể từ khi triều Lý lên thay thế triều Lê, họa Tống xâm lăng vẫn như quả núi lớn đè nặng lên đất nước Đại Việt non trẻ. Vì độc lập tự do của dân tộc, triều Lý đã chủ trương xây dựng một quân đội mạnh gồm bộ binh, thủy binh và đội quân bắn đá- phôi thai đầu tiên của đội quân pháo binh sau này.

Súng phóng đá. Ảnh minh hoạ

Vũ khí của đội quân bắn đá là súng phóng đá, nó được coi là tiền thân của những khẩu đại bác ngày nay, có thể dùng để phóng đạn phá tường thành hay bật đạn cầu vồng để tiêu diệt địch ở trong thành. Súng dùng lực của dây xoắn để phóng đạn tới mục tiêu. Đạn là những khúc gỗ hoặc những tảng đá có trọng lượng thích hợp.

Theo sử hiệu, khi ấy nhà Lý định ra quân hiệu và chia ra làm tả, hữu, tiền, hậu, 4 bộ hợp lại thành 100 đội. Trong mỗi đội đều có lính kỵ và lính bắn đá. Thời Lý có những trận đánh tiêu biểu bằng súng bắn đá như trận Lý Thường Kiệt công thành Ung Châu trên đất Tống. Trong trận chiến này, ta đã sử dụng tập trung nhiều cỗ súng bắn đá, bắn phá tường trình vững chắc của địch, kết hợp với dùng pháo thăng thiên có chứa nhiều chất cháy và một khối bùi nhùi rơm bắn vào bên trong đốt cháy kho tàng, doanh trại bằng gỗ của địch, gây thành những đám cháy lớn rực trời. Sau 42 ngày đêm vây hãm và công phá, quân ta đã làm chủ thành Ung Châu, phá hủy hoàn toàn dự trữ vật chất của địch, chặn đứng mưu đồ của nhà Tống nhằm xâm lược và thôn tính nước Đại Việt ta.

Và cỗ đại bác nòng đúc bằng kim loại thời Trần

Ngoài súng bắn đá triều Lý để lại, nhà Trần tiếp tục tìm tòi, sáng chế và trang bị cho lực lượng vũ trang của dân tộc ta lúc bấy giờ nhiều loại pháo nhỏ cầm tay và những cỗ đại bác nòng đúc bằng kim loại. Đạn dược, thuốc phóng cũng được chế tạo khá tinh xảo.

Cấu tạo của khẩu đại bác có nòng hình ống bằng kim loại, trong Binh thư yếu lược có ghi: “…Dùng gỗ bền mà chế. Không kỳ lớn nhỏ, xoi rỗng ruột, ngoài niền 4 đai sắt, dưới mở 1 lỗ để đặt ngòi, nhồi thuốc cho đầy miệng, cho vào một ít đất vàng, sau cho vào những viên sắt, đá và ngòi thuốc, xỏ liền với máy súng…”.

Kỹ thuật bắn pháo ngày ấy cũng được tính toán khá khoa học. Trước khi bắn quả đạn thật, quân Trần bắn quả dẫn hỏa để tính toán cự ly. Qủa dẫn hỏa nặng 3 đến 5 kg, trọng lượng bằng quả đạn thật. Bắn quả dẫn hỏa để lấy mức xa gần, rồi theo mức ấy mà tiến lên hay lùi xuống cho đạn rơi trúng đích. Nói về hiệu chỉnh đạn bắn, người xưa cũng cũng có ghi: “…Đậy vung ngòi, nhắm làn. Hoặc thiên tả, thiên hữu. Hoặc lấy cao, lấy thấp. Hoặc lấy làn ngay…”.

Vai trò của pháo binh trong giai đoạn này cũng được thể hiện khá rõ nét trong  trận đánh quân Mông Nguyên ngày 17-2-1285 của Trần Hưng Đạo, hay trận đánh cuối triều Trần của tướng Trần Khát Chân nhằm vào chiến thuyền của vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga, làm Bồng Nga tử trận, đập tan ý định tiến đánh thành Thăng Long của vua Chiêm.

Phạm Hoàng Hà (Tóm lược theo Lịch sử quân sự Việt Nam)

Kỳ 2:  “Pháo tự hành” đặt trên… lưng voi