Ở học viện Chính trị-quân sự, nhãn là cây rất được ưa thích. Đây là loại cây được anh em đặt cho cái tên “3 trong 1”: vừa tạo bóng mát, vừa làm đẹp, đồng thời là cây ăn trái có giá trị kinh tế. Hơn nữa, nhãn lại là loại cây thuần Việt, gần gũi, thân thương với mỗi cán bộ, học viên, góp phần làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Không biết nhãn ở Học viện Chính trị-quân sự được trồng từ bao giờ, bởi có rất nhiều “thế hệ”. Có những cây cao, thân to gần hai người ôm, cũng có những dãy mới trồng, chiều cao độ hơn đầu người. Nhãn được trồng rất nhiều ở hai bên đường, trong khuôn viên, xung quanh doanh trại, thành từng hàng, thẳng tắp, sum sê, xanh mướt, làm vợi đi cái nắng chói chang của mùa hè, tạo cảm giác sum vầy, ấm áp trong mùa đông.

Nhãn gắn bó với cán bộ, học viên ở đây như một phần của cuộc sống. Mọi hoạt động trong học tập, công tác đều có bóng dáng của những hàng nhãn… Vào mùa thi, những hàng nhãn là nơi ôn luyện ngoài giờ. Dưới bóng mát của nhãn, mọi người say sưa trao đổi, thảo luận… Nhiều điệu múa đẹp của những tiết mục văn nghệ cũng được dàn dựng bên gốc nhãn. Tôi đã nhiều đêm chứng kiến làn điệu “rộn ràng vui múa sạp” tưng bừng, rất đẹp của dân tộc Thái được tập luyện dưới gốc nhãn, trước khi công diễn. Nhìn những cán bộ, học viên tay trong tay với sinh viên đơn vị kết nghĩa trong trang phục Thái rực rỡ sắc màu nhảy những bước sạp đầu tiên, mới thấy hết không khí rộn ràng bên gốc nhãn.

Cán bộ, học viên ở đây xem nhãn như cây cảnh. Những “cây cảnh” ấy được bố trí hài hòa với cảnh quan đơn vị. Mỗi cây được trồng cách nhau 7-10 mét, trong những ô vuông vức, đều tăm tắp. Công tác chăm sóc luôn được chú trọng, mỗi đơn vị đảm nhiệm một khu vực. Vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, từng tốp cán bộ, học viên thay nhau tỉa cành, tưới cây và… tạo dáng cho nhãn. Những “chậu nhãn” tròn trịa, gọn ghẽ, thẳng hàng đều tăm tắp. Vào vụ thu hoạch, từng chùm quả nặng trĩu phơi trong nắng, mùi hương thoảng nhẹ.

Đại úy Nguyễn Công Nghị, học viên hệ sự phạm tâm sự: “Cây xanh ở đơn vị không chỉ đơn thuần lấy bóng mát, mà còn làm cảnh. Nhiều đơn vị trồng xà cừ, phi lao, bạch đàn… trông rất đơn điệu; có đơn vị lại trồng cau bụng, cọ dầu, cau vua… đẹp nhưng không tạo sự gần gũi, thân quen. Vì vậy, cây nhãn ở Học viện Chính trị-quân sự rất giàu ý nghĩa”.

ĐINH HƯNG