Để bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh” của khu vực tứ giác Long Xuyên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 đã duy trì 100% quân số canh trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cháy rừng.

Căng mình canh... “giặc lửa”

Mới sáng sớm nhưng cái nắng ở vùng biên giới huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã chói chang khiến không khí nơi đây trở nên oi bức. Mực nước trong rừng đã dần khô cạn. Cây cối không còn đủ độ ẩm để duy trì sự sống. Những bụi dây leo khô quấn quanh thân cây tràm được ví như những ngọn đuốc lớn, nếu chẳng may bén lửa, cộng với sức gió lớn, đám cháy sẽ nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ khu rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng của Sư đoàn 4 (Quân khu 9) tuần tra ban đêm.

Dẫn chúng tôi luồn sâu vào bên trong khu rừng, chốc lát, Thiếu tá Hà Tánh, Đại đội trưởng Đại đội 10 (Trung đoàn 30, Sư đoàn 4) lại dừng lại để kiểm tra lớp thực bì dưới chân đang khô giòn với vẻ mặt trầm ngâm. “Năm nay khô hạn sớm quá! Lớp thực bì bên trong rừng có độ dày khoảng 40-50cm. Vai trò của thực bì là giữ độ ẩm nhưng hiện tại nó rất khô. Nếu không may cháy lớp thực bì mà không xử lý kịp thời thì cháy từ khoảng 1-2 tháng và sẽ phá hủy toàn bộ khu vực sinh thái xung quanh”, Thiếu tá Hà Tánh cho biết.

Nguy cơ cháy rừng cao vào mùa khô trong khi đơn vị chưa ứng dụng được khoa học-công nghệ vào công tác phòng, chống cháy rừng, do vậy, những đài quan sát trên cao vẫn được xem là “mắt thần” phát hiện đám cháy. Công việc tại các chòi canh là một áp lực lớn đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Bởi nhiệm vụ này được duy trì xuyên suốt, không kể ngày đêm... Đó là lý do khiến cán bộ, chiến sĩ trên các chòi canh không cho phép đôi mắt mình nghỉ ngơi, dù chỉ một phút.

Trên chòi canh là thế, còn dưới mặt đất, mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải tuần tra khắp khu rừng, đối mặt với nắng nóng và hiểm nguy nếu chẳng may bị động vật hoang dã như rắn, bọ cạp tấn công, hoặc bị thương tích khi tiếp cận những khu vực rừng sâu, điều kiện đi lại khó khăn và phải nhanh chóng phản ứng khi có dấu hiệu cháy. Chiến sĩ Mai Nhật Tân bộc bạch: “Rừng rộng lớn, tuy có vất vả nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ để bảo vệ những cánh rừng do đơn vị quản lý”.

Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Sư đoàn 4 đã huy động công sức của bộ đội nạo vét những kênh mương cũ, đào thêm các kênh mới dẫn nước vào rừng. Đồng thời, đơn vị còn lập thêm nhiều chốt kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy cao; các đội phản ứng nhanh; trang bị, phương tiện chữa cháy thường xuyên được kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng để luôn trong tình trạng hoạt động tốt, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống.

Các chiến sĩ Sư đoàn 4 (Quân khu 9) tham gia nạo vét kênh trữ nước mùa khô.

Thượng tá Nguyễn Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 30 cho biết: “Trong tình huống chữa cháy, phương pháp và thời gian hành động là yếu tố quyết định đến sự sống còn của khu rừng và những ngôi làng xung quanh. Do vậy, các phương án phòng cháy, chữa cháy được cán bộ, chiến sĩ thường xuyên luyện tập nhằm ứng phó hiệu quả với những tình huống khẩn cấp. Qua luyện tập, trình độ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị được nâng lên, sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy. Đặc biệt rút ra được kinh nghiệm canh hướng gió để chữa cháy từ hướng nào, từ bên nào cho thuận tiện, tránh ngạt khói”.

Nối dài “cánh tay” bảo vệ rừng

Rừng tràm do Sư đoàn 4 quản lý không chỉ có vai trò lọc không khí cho khu vực tứ giác Long Xuyên mà còn được ví như nhà máy lọc nước tự nhiên khổng lồ, giúp rửa phèn cho những cánh đồng lân cận. Diện tích rừng rộng lớn, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng nên để bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, không thể thiếu sự chung tay của nhân dân-những người sinh sống và lao động sản xuất tại các khu vực có rừng. Bởi hơn ai hết, họ là những người gần gũi nhất với rừng, nắm chắc địa hình và các mối đe dọa đến sự an toàn của rừng, kịp thời phát hiện những hành vi xâm hại.

Có ruộng cạnh rừng nên bản thân ông Bùi Văn Hiếu, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành luôn ý thức bảo vệ rừng và mỗi ngày đi làm đồng, ông không quên công việc của mình là giúp bộ đội giám sát khu rừng để kịp thời báo với lực lượng khi có người lẻn vào bắt ong... Ông Bùi Văn Hiếu chia sẻ: “Gia đình tôi có phần ruộng giáp với rừng do bộ đội quản lý. Những lúc thu hoạch hay có công việc gì cần là các chú bộ đội đều sẵn lòng giúp đỡ. Vậy nên tôi bỏ chút công sức giúp các chú canh rừng cũng là tự giúp mình và bà con xung quanh”.

Để có được sự giúp sức của người dân, thời gian qua, Sư đoàn 4 đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức về giá trị của rừng đối với cuộc sống và hoạt động sinh kế. Tích cực chăm lo, cải thiện đời sống dân sinh như: Giúp dân xây dựng nhà ở, xây cầu, làm đường giao thông nông thôn; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo; đồng thời có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các hộ dân sống ven rừng để họ có nghề nghiệp, sinh kế bền vững, không còn phụ thuộc vào nghề khai thác trái phép tài nguyên rừng.

Ông Võ Văn Nghì, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành bộc bạch: “Tôi lớn tuổi nên không lao động được như trước, mọi thứ đều nhờ các chú bộ đội, có lúc các chú cho gạo, có lúc là trái bầu, quả bí, bó rau, con cá... Tôi cũng vận động anh em, bà con ở đây không được vào rừng bắt ong, chẳng may có hỏa hoạn thì mình tham gia chữa cháy, giúp đỡ bộ đội”.

Đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4, bảo vệ rừng mùa khô là một cuộc chiến thầm lặng. Mỗi ngày, họ phải đối mặt với những lo lắng khi khó có thể kiểm soát hết mọi tình huống và áp lực từ trách nhiệm ngăn chặn những mối hiểm họa để bảo vệ rừng khỏi sự tàn phá của “giặc lửa”. Vì vậy, thời gian này, tất cả cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều tình nguyện không nghỉ phép, không đi tranh thủ để tập trung cho nhiệm vụ. Và dù đôi mắt có thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng các anh vẫn âm thầm cống hiến để bảo vệ bình yên cho "lá phổi xanh" nơi vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Bài và ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.