Nhiều nhà dân mọc lên ngay cạnh sân bay Gia Lâm có độ cao vượt quá quy định cho phép, ảnh hưởng tới an toàn bay. Ảnh: VŨ QUANG THÁI
Thủ tục hành chính nặng nề là lực cản lớn của nền kinh tế nước ta. Điều này được thể hiện rõ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Công trình chậm tiến độ thì nhà đầu tư có thể bị phá sản, các công trình đều chậm tiến độ thì quốc gia sẽ bị thiệt hại không thể tính hết. Để hạn chế nguy cơ này, Bộ Xây dựng đã đề ra một hướng đi “thoáng” cho thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.

 

 

Quan điểm “thoáng” của Bộ Xây dựng

 

 

 

Theo dự thảo do Bộ Xây dựng đưa ra, trước mắt, Bộ sẽ tập trung vào các thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị, dân cư. Sau đó, sẽ tiếp tục rà soát để tiết giảm tối đa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

 

 

Mỗi công trình xây dựng chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan nên với những thủ tục vượt quá thẩm quyền, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, sau đó tham mưu để Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, theo hướng cắt bỏ, hoặc gộp những thủ tục riêng để dự án sẽ được duyệt chung một lần với ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan.

Cụ thể, có hai thủ tục hiện được đề xuất bãi bỏ là: Quy định chủ đầu tư phải xin thỏa thuận về chiều cao công trình theo văn bản số 3803/BQP ngày 28-7-2006 của Bộ Quốc phòng về việc “Quản lý các công trình xây dựng bảo đảm tĩnh không cho hoạt động bay, quản lý-bảo vệ vùng trời” và quy định về đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước.

Theo Bộ Xây dựng, việc quản lý hoạt động bay và bảo vệ vùng trời là cần thiết, tuy nhiên để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thì những vấn đề này nên được nghiên cứu, có ý kiến ngay từ giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, tránh trường hợp phải thêm thủ tục thỏa thuận cho từng công trình. Còn các quy định về đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang làm phát sinh nhiều thủ tục cho cả chủ đầu tư và gây áp lực công việc cho cơ quan quản lý nhà nước. Trước đây, chỉ quy định cấp “Giấy phép đầu tư” cho nhà đầu tư nước ngoài, còn hiện nay (theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP), nhà đầu tư trong nước cũng phải thực hiện các thủ tục giống như đối với nhà đầu tư nước ngoài là không đúng với chủ trương cải cách, giảm thủ tục hành chính.

Hai thủ tục khác được đề xuất cải tiến theo hướng không thành quy định riêng mà duyệt từ khi thẩm định chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án là: Thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định, phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, thủ tục giao đất, cho thuê đất, tính giá đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu tiền sử dụng đất cũng sẽ được nghiên cứu cải tiến.

Bộ Xây dựng dự kiến, nếu thực hiện việc cải cách theo hướng trên, thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị sẽ giảm từ 33 thủ tục/dự án hiện nay xuống chỉ còn 8 thủ tục/dự án. Nhờ vậy, thời gian hoàn thành thủ tục dự kiến sẽ giảm từ 3 năm/dự án hiện nay (mức trung bình) xuống còn 1 năm/dự án. Để tiết kiệm tối đa thời gian cho nhà đầu tư, Bộ Xây dựng còn đề ra thời hạn tối đa để nhà quản lý phải hoàn tất mỗi thủ tục.

Tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức, một số ý kiến còn mạnh dạn đề nghị nên để nhà đầu tư được khởi công xây dựng từng phần, chứ không nhất thiết phải chờ hoàn tất giải phóng mặt bằng. Bởi thực tế, có nhiều trường hợp đại đa số người dân đã đồng ý giải tỏa dành đất cho dự án, nhưng chỉ có một vài hộ chưa giải quyết xong khiến dự án không thực hiện được hoặc chậm tiến độ…

 

 

Cần thận trọng khi gỡ bỏ các quy định

 

Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà quản lý, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng, cần thận trọng nghiên cứu kỹ việc bãi bỏ, giảm bớt các quy định liên quan đến các lĩnh vực mà mình quản lý. Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các cán bộ quản lý tĩnh không, quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay đều cho rằng hiện nay, khi Nghị định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam đang đợi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì việc duy trì văn bản 3803/BQP nói trên của Bộ Quốc phòng là hết sức cần thiết. Theo văn bản này, thì những công trình nằm gần sân bay, khu vực trận địa phòng không theo cự ly đã được quy định và những công trình cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên phải xin phép, thỏa thuận với Bộ Quốc phòng về chiều cao.

Thực tế, thời gian qua do địa phương chưa quán triệt kỹ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chưa thấy được trách nhiệm quản lý, bảo đảm độ cao tĩnh không nên đã cấp phép cho một số công trình có chiều cao vượt khỏi bề mặt khống chế độ cao tĩnh không, làm cản trở hoạt động bình thường của sân bay, phá vỡ các khu vực hành lang bay đặc biệt, có nguy cơ phải hạ cấp, đóng cửa sân bay, làm ảnh hưởng tới an toàn bay, hoặc khống chế, che chắn góc bắn của trận địa phòng không, gây nhiễu hệ thống ra-đa. Đã có công trình khi xây dựng không thông qua Bộ Quốc phòng, nên vi phạm về chiều cao tĩnh không, sau đó Bộ Quốc phòng yêu cầu phải di dời hoặc hạ thấp độ cao, gây lãng phí lớn.

Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư xây dựng công trình là hướng đi đúng. Tuy nhiên, bảo đảm độ cao tĩnh không cho an toàn hoạt động bay và tác chiến phòng không là vấn đề an ninh quốc gia mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quản lý.

Việc thống nhất quy định về chiều cao công trình trong quy hoạch vùng, nếu làm được sẽ giúp các cơ quan của Bộ Quốc phòng giảm tải công việc rất nhiều. Nhưng cái khó là, hiện nay các địa phương chưa đề ra được quy hoạch không gian vùng, nên các cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng chưa thể cho ý kiến về chiều cao xây dựng. Hơn nữa, do thế trận quốc phòng của Việt Nam hiện nay rất đa dạng, mang tính đan xen, hầu hết các công trình tác chiến phòng không thuộc mục tiêu phải bảo đảm bí mật nên để đề ra được quy hoạch chi tiết, cụ thể về chiều cao xây dựng, bảo đảm tĩnh không là việc không dễ dàng. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý tĩnh không thuộc Bộ Quốc phòng cho rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng quy hoạch không gian chi tiết và lấy ý kiến từ Bộ Quốc phòng, để khi đã đạt được thống nhất quy hoạch không gian vùng thì chỉ những công trình có độ cao vượt trên độ cao cho phép mới phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, còn dưới độ cao đó địa phương tự quyết định.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại rằng quá cởi mở trong việc gỡ bỏ bớt các thủ tục có thể khiến các chủ đầu tư ồ ạt xây dựng các cao ốc, khu chung cư. Việc này sẽ phá vỡ các quy hoạch cũ, khiến không bảo đảm được các điều kiện về an sinh xã hội (như trường học, bệnh viện…). Bởi vì ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc bảo đảm các điều kiện an sinh xã hội hiện đã rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thì phải tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, bởi đây là định hướng của Chính phủ. Các cơ quan quản lý nên chủ động bàn bạc để tháo gỡ các vướng mắc trên tinh thần của định hướng này. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải hoàn thành sớm quy hoạch xây dựng, cứ 5 năm một lần phải xem xét lại quy hoạch xây dựng xem có còn phù hợp không, nếu cần thì chỉnh sửa. Các công trình xây dựng phải đáp ứng các tiêu chí của quy hoạch xây dựng, trong đó có vấn đề an sinh xã hội, nếu không bảo đảm thì không được cấp phép.

Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục nghe ý kiến đóng góp của các nhà quản lý và các chuyên gia tại đây.

Những hậu quả tiêu cực của việc chậm tiến độ các công trình xây dựng do thủ tục hành chính nặng nề đã được thấy rõ. Việc giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư là hướng đi đúng. Tuy nhiên, trước khi gỡ bỏ các thủ tục, quy định, các cơ quan cần phải bàn bạc kỹ, đi đến thống nhất, tránh làm ảnh hưởng trực tiếp tới những lợi ích lâu dài, to lớn, nhất là vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia.

 

 

HỒ QUANG PHƯƠNG