Mặc dù đa số các đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) đều đóng quân phân tán ở vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế - xã hội kém phát triển, điều kiện sống và làm việc còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, phong trào thi đua lao động sáng tạo của những người lính thợ đã đạt được nhiều kết quả.
Do yêu cầu nhiệm vụ nên tôi đã được đến nhiều kho, trạm, xưởng, nhà máy... thuộc TCKT. Có thể nói, so với các đơn vị kỹ thuật dân sự, môi trường và điều kiện làm việc của công nhân viên chức, lao động quốc phòng ở các đơn vị kỹ thuật quân sự có nhiều khó khăn hơn. Chịu trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng các loại vũ khí trang bị kỹ thuật cho toàn quân, nhưng phương tiện mà các đơn vị được trang bị còn khá thô sơ và thiếu tính đồng bộ...
 |
Sáng kiến bầu trợ lực phanh chân không xe ô tô của ĐVCĐ Nhà máy Z551 đoạt giải ba giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo” trong quân đội.
|
Để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bên cạnh những biện pháp của cấp ủy, chỉ huy, tổ chức công đoàn, các đơn vị đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, nhất là trong nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, giảm thiểu chi phí sản xuất. Trong đó, hiệu quả nhất là các phong trào thi đua: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất"... và hội thi tay nghề giỏi; thi đề tài, sản phẩm sáng tạo...
Tìm hiểu ở một số đơn vị thuộc TCKT giúp tôi nhận ra một điều thú vị: Càng ở trong hoàn cảnh khó khăn, công đoàn biết phát huy trách nhiệm thì người lao động càng có nhiều sáng kiến. Thực tiễn ở Nhà máy Z551 (đơn vị chuyên sản xuất vật tư kỹ thuật ngành xe máy, sửa chữa lớn xe ô tô và trạm nguồn điện phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ cho toàn quân) là một minh chứng sinh động. Đại tá Trần Văn Chất, Chính ủy Nhà máy, cho biết:
- Đơn vị chưa được trang bị nhiều máy móc hiện đại, trong khi đại đa số phương tiện cần sửa chữa đều không có hoặc rất hiếm phụ tùng thay thế... Giải quyết khó khăn này, Ban giám đốc và Công đoàn Nhà máy đã đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giao chỉ tiêu sáng kiến cho từng người. Hàng năm, mỗi cán bộ kỹ thuật phải có ít nhất một sáng kiến; công nhân và cán bộ văn phòng 4 người/sáng kiến. Những tập thể, cá nhân chưa đạt chỉ tiêu Ban giám đốc nhà máy không đưa vào xét khen thưởng.
Tuy nhiên, đó chỉ là quy định “cứng”, động lực chủ yếu để mọi người tích cực thi đua nghiên cứu chính là tinh thần lao động, trách nhiệm với công việc và lòng yêu nghề. Trên cơ sở quy chế thi đua, công đoàn Nhà máy Z551 đã tổ chức sinh hoạt, động viên người lao động phát huy trách nhiệm trong nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, giảm thiểu chi phí, tăng năng xuất lao động, với mục tiêu vì sự phát triển của Nhà máy và đảm bảo thu nhập cho chính ĐVCĐ...
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã thu hút được đông đảo, ĐVCĐ nhà máy đã hăng hái tìm tòi, nghiên cứu thành công nhiều sáng kiến có giá trị. Đặc biệt, nữ công nhân trẻ. Nguyễn Thị Phượng năm nào cũng có từ 2 đến 3 sáng kiến được nghiên cứu, ứng dụng trong sản xuất, công tác. Kết quả, từ năm 2003 đến nay, toàn Nhà máy có 1.047 sáng kiến cải tiến kỹ thuật (bình quân mỗi ĐVCĐ có 2 sáng kiến). Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần giảm thời gian lao động, hạ chi phí sản xuất, đồng thời khắc phục được việc khó là thiếu phụ tùng thay thế, từ đó thu nhập của người lao động được nâng lên (năm 2007 đạt gần 2,6 triệu đồng/người, gấp 2,4 lần năm 2003).
Bên cạnh những khó khăn chung về cơ sở vật chất, đơn vị quân đội còn có cái khó là quy định về mức thưởng cho người có sáng kiến thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp bên ngoài (doanh nghiệp dân sự thưởng theo tỷ lệ phần trăm giá trị làm lợi của sáng kiến; trong quân đội chỉ thưởng một vài trăm nghìn). Vì thế, những biện pháp động viên ĐVCĐ thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như ở Nhà máy Z551 cũng là cách làm chung của hầu hết các đơn vị thuộc TCKT và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như các Nhà máy: Z133, Z153, Xí nghiệp liên hợp Z751 và các Kho: KV4, K802, J106...
Đại uý Phan Thanh Nam, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Xí nghiệp cao su (thuộc Xí nghiệp liên hợp Z751), người ba lần đạt giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội, tâm sự:
- Là cán bộ công đoàn của những người lính thợ, mỗi sáng kiến thành công là niềm vui của toàn đơn vị. Bởi chính nhờ những sáng kiến đó giúp đồng đội mình bớt vất vả, có thêm thu nhập. Đó chính là động lực lớn nhất để tôi và đồng đội động viên nhau phấn đấu.
Từ năm 2003 đến nay, đoàn viên công đoàn TCKT đã nghiên cứu thành công gần 4.300 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, làm lợi cho Nhà nước và Quân đội hàng chục tỷ đồng; giảm hàng vạn ngày công lao động. Nhiều công trình, sáng kiến được Nhà nước, Bộ Quốc phòng khen thưởng và triển khai ứng dụng rộng rãi trong toàn quân.
|
Bài và ảnh: MINH HUY