QĐND - Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong chiến dịch này quân và dân ta đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, đánh thắng đòn điểm huyệt chiến lược ở Buôn Ma Thuột, mở ra thời cơ thuận lợi, thực hiện thành công quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Sau Hiệp định hòa bình được ký năm 1972. Với bản chất ngoan cố, quân ngụy đẩy mạnh đánh chiếm vùng giải phóng; mưu đồ “tràn ngập lãnh thổ” nhằm lấn đất, giành dân, quyết định thắng lợi trên chiến trường. Trước hành động hiếu chiến của kẻ thù, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, đập tan các cuộc tiến công của địch; giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, phát triển lực lượng, các quân đoàn cơ động được thành lập. Trước thế bố trí và hoạt động tác chiến của ta, quân ngụy phải tung toàn bộ chủ lực cùng lực lượng dự bị ra đối phó. Chúng bị cột chặt ở vùng 1 và vùng 3, vùng 2 chiến thuật chiến trường hiểm yếu, gồm cả đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên, chúng chỉ bố trí 2 sư đoàn bộ binh. Qua đó cho thấy, thế bố trí chiến lược của địch tập trung ở hai đầu chiến tuyến, ở giữa mỏng yếu, khả năng ứng cứu và giải tỏa hạn chế, tạo thế có lợi để ta mở cuộc tiến công chiến lược. Chiến trường Tây Nguyên quân dân ta đã đánh thắng các cuộc lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Ta còn đánh vào bên sườn và phía sau quân địch, giải phóng nhiều địa bàn quan trọng uy hiếp thị xã Plei-cu, áp sát thị xã Kon Tum. Buộc kẻ thù phải đưa phần lớn chủ lực lên giữ Bắc Tây Nguyên. Phía Nam vùng rộng lớn có thị xã Buôn Ma Thuột, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa, đầu mối nhiều đường giao thông đi xuống các tỉnh đồng bằng, vào Đông Nam Bộ, thủ phủ của Tây Nguyên. Nơi ta ít đánh lớn, quân ngụy chỉ bố trí Trung đoàn 53 thiếu và biệt động quân, bộc lộ rõ: Đây địa bàn chiến lược hiểm yếu, địch lại bố trí lực lượng mỏng yếu nhất.
 |
Bộ đội ta xung phong đánh địch trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975 (Ảnh tư liệu chụp lại) |
Trong lúc cả hai miền đang dốc sức chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược, thì Tổng thống và Bộ Tổng tham mưu ngụy lại nhận định: Năm 1975 ta có thể đánh lớn hơn năm 1974, nhưng không bằng năm 1968 và năm 1972. Hướng tiến công chủ yếu là vùng 3 chiến thuật, mục tiêu chính là Tây Ninh. Thời gian tiến công trước hoặc sau Tết, kéo dài đến hết mùa khô phải dừng lại. Nhận định sai lầm về chiến lược của địch, thể hiện rõ nghệ thuật chuẩn bị và giữ bí mật ý định tác chiến của quân và dân ta. Để tạo sức mạnh thực hiện thắng lợi đòn điểm huyệt, trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Bộ Tổng tham mưu tăng cường cho Chiến dịch Tây Nguyên thêm 3 sư đoàn bộ binh, nhiều lữ đoàn binh chủng. Nhằm tạo bất ngờ, yếu tố quan trọng để giành thắng lợi, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng kế nghi binh tạo thế, để lừa dụ, kéo giữ, chia cắt và vây hãm quân địch. Ta tổ chức cho nhân dân mít tinh, đón mừng bộ đội về giải phóng Kon Tum. Bí mật đưa Sư đoàn 968 vào thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320, giữ vùng giải phóng bắc Kon Tum và tây Plei-cu. Nhanh chóng cơ động hai sư đoàn về Nam Tây Nguyên, để lại đài 15W giữ liên lạc thường xuyên với sở chỉ huy mặt trận. Sử dụng Sư đoàn 320, Sư đoàn 2 cùng các trung đoàn trực thuộc đánh cắt giao thông trên các trục đường, cô lập hoàn toàn quân địch ở Tây Nguyên với thị xã Buôn Ma Thuột và các lực lượng xung quanh. Trong lúc ta đang gấp rút chuẩn bị tiến công địch ở Nam Tây Nguyên với cường độ cao. Địch nhặt được tài liệu và bắt được chiến sĩ trinh sát của ta. Bằng chứng đã có, nhưng tình báo Mỹ và Bộ Tổng tham mưu ngụy nhận định: Đây chỉ là hoạt động nghi binh nhằm đánh lạc hướng, còn hướng tiến công chính của Việt Cộng vẫn là Bắc Tây Nguyên. Khi ta đánh Đức Lập, quân địch vẫn cho rằng: Ta đánh Đức Lập chỉ để mở thông hành lang chiến lược, phục vụ hướng tiến công chủ yếu ở Đông Nam Bộ. Sai lầm từ cấp chiến lược đến chiến dịch của địch đã tạo thời cơ thuận lợi để ta đánh đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột.
Bộ Chính trị nhận định sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Sau chiến thắng ở Buôn Ma Thuột, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: "Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước phát triển mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy. Địch có thể đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh... Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn 1 của địch không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ...".
(Theo "60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam", Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trang 354, NXB QĐND)
|
Bất ngờ đêm 10-3-1975, đặc công và pháo binh ta đánh phá các căn cứ địch bên trong thị xã. Được tin, Tư lệnh vùng 2 chiến thuật vẫn cho rằng: Ta chỉ tập kích và bắn phá bằng hỏa lực, giống như Tết Mậu Thân năm 1968 và ra lệnh cho các lực lượng: “tử thủ” cố giữ thị xã, sáng mai Việt Cộng sẽ rút lui. Không đúng như nhận định của địch, lợi dụng đêm tối và tiếng pháo nổ, bộ binh và xe tăng ta rầm rập tiến vào đánh địch. Sáng 10-3, quân ta từ 5 mũi đồng loạt tiến công, đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã. Bị đánh bất ngờ, quân địch ngoan cố chống cự, trước sức mạnh tiến công bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, chúng nhanh chóng bị tiêu diệt. Choáng váng trước tin Buôn Ma Thuột thất thủ, tướng Phú lệnh cho Sư đoàn 23 cơ động bằng máy bay lên thẳng về giải tỏa tái chiếm lại thị xã. Đúng mưu kế và thế trận ta đã bày sẵn, cả sư đoàn địch đã nhanh chóng bị đánh tan.
Mất Buôn Ma Thuột, lực lượng cơ động mạnh nhất bị tiêu diệt, lo sợ quân ta trên đà chiến thắng tiến xuống giải phóng đồng bằng, chia cắt chiến trường làm đôi. Nguyễn Văn Thiệu vội vã ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên về cố thủ giữ các tỉnh đồng bằng, chờ thời cơ thuận lợi sẽ tái chiếm lại. Quân ngụy giữ Tây Nguyên chẳng nổi, rút chạy lại bị đánh tơi bời, đã làm thay đổi tình thế trên chiến trường hoàn toàn có lợi cho ta. Nắm thời cơ, Quân ủy Trung ương, điều chỉnh kế hoạch tác chiến chiến lược hai năm xuống còn một năm, giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Thắng lợi đó chứng minh rõ: Vai trò to lớn của trận điểm huyệt chiến lược đã tạo ra lực, thế, thời có lợi, làm tăng sức mạnh, rút ngắn thời gian tiến công, giành thắng lợi to lớn trên chiến trường.
Thiếu tướng PGS, TS BÙI THANH SƠN