QĐND - Ông Huỳnh Văn Quyết (Ba Nghi) hiện sống tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Quê gốc của ông ở tỉnh Trà Vinh. Năm 1985, sau khi nghỉ hưu, ông quyết định chọn Cù Lao Dung làm quê hương thứ hai của mình. Ở tỉnh Sóc Trăng, rất ít người biết ông từng là máy trưởng Tàu 54 trong đội hình Đoàn tàu không số huyền thoại. Tập thể tàu này được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2011).
Những câu chuyện về Đoàn tàu không số, tôi từng được nghe ông Ba Nghi kể lại nhiều lần. Lần nào ông kể cũng rất sôi nổi. Dù đã bước sang tuổi 82 nhưng trí nhớ của ông vẫn minh mẫn, giọng nói lúc rổn rảng, khi thâm trầm.
 |
Chứng minh cán bộ mà ông Ba Nghi hiện còn giữ.
|
Đầu năm 1963, ông Ba Nghi được Tỉnh ủy Trà Vinh tuyển chọn đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”, bí mật lên tàu ra Bắc. Trước đó, ông là Xã đội phó du kích xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Cẩm phụ trách công tác phụ nữ xã. Ngày ông đi, hai người đã có với nhau 3 mặt con, đứa lớn 12 tuổi, đứa út mới 7 tuổi.
Sau một năm đào tạo kỹ thuật máy nổ, ông Ba Nghi lần lượt được biên chế về các tàu 41, 46, và 54 thuộc Đoàn 125, trên cương vị máy 2 rồi máy trưởng. Trong đó, Tàu 54 là nơi ông có thời gian phục vụ dài nhất.
Ông sôi nổi kể: “Hồi đó mỗi lần đụng địch, cánh thợ máy tụi tui thường chơi “tẹt ga”, bỏ qua mọi lý thuyết. Máy lắp dưới tàu được các kỹ sư giới hạn quá tải 10%. Gặp địch và chiến đấu, anh em cho cắt cầu chì giảm tải. Tàu chạy với tốc độ cao nhất, hoàn toàn không chỉnh được ga vì cây ty bơm nhớt và cần ga đã chạy hết qua vòng xéo không thể rút lại. Ống khói tàu khi đó gần như... phun ra lửa. Tới khi cần lấy lại ga phải có sự phối hợp, người thì điều khiển nhịp “bánh chớn” tàu, người thì dùng tua vít xeo cho cây ty và cần ga chạy về vị trí làm việc. Tàu địch thuộc hạng tối tân, phải chơi cỡ đó mới ăn thua nổi với chúng!”.
Những năm tháng ác liệt ấy, 3 năm liền ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (năm 1968 đến 1970); trong hai năm 1969 và 1970, ông được trao hai Huy hiệu Chiến sĩ Quyết thắng. Ông bảo trong chiến tranh, vào sinh ra tử biết bao lần, đồng đội của ông nhiều người anh dũng hy sinh, có người là chính trị viên, thuyền phó, nhiều khi còn buộc phải hủy tàu, bản thân ông cũng thương tích đầy mình nhưng không một ai chùn bước. “Cho đến ngày thống nhất đất nước, tui tham gia trên mười chuyến hàng chở vũ khí vào Nam. Tui luôn an tâm làm nhiệm vụ, không vướng bận điều chi, một phần vì tin tưởng vào khả năng tháo vát của bả!”.
 |
Lá thư gửi vợ của ông Ba Nghi, nhiều lỗi chính tả nhưng chan chứa yêu thương.
|
Bà Nguyễn Thị Cẩm góp chuyện: “Lúc ổng đi, tui đâu nghĩ ổng đi lâu dữ vậy. Tui vừa hoạt động đoàn thể vừa chăm lo ba đứa nhỏ. Khó khăn mấy cũng cắn răng mà chịu, không dám kêu ai. Cũng nhờ có cái thơ (thư) của ổng mà bốn mẹ con tui như được tiếp thêm sức mạnh!”. Rồi bà mang ra “khoe” lá thư với khách. Chúng tôi trầm trồ kinh ngạc! Lá thư nhỏ bằng bàn tay, viết vào ngày 21-4-1963, đúng hôm ông chính thức lên đường, có đoạn: “Anh tạm đôi lời thăm em và ba con được nhiều khỏe mạnh. Em ơi, thời gian xa em là vì nghĩa vụ nhưng đối với anh luôn luôn đầy tin tưởng khả năng em lo cho con và đảm đang gia đình. Dù gặp hoàn cảnh nào em cũng ráng lo cho con học nghe em và góp phần cho sự nghiệp cách mạng đến ngày thành công”.
Thấy chúng tôi đọc thư mà như... đánh vần, ông Ba Nghi cười ngất: “Nói mấy chú đừng chê, hồi đó biên thơ, trình độ văn hóa của tui chỉ mới lớp 3 thôi. Bây giờ nhìn lại, tui hạnh phúc lắm. Ba thằng con trai đều nối bước cha sẵn sàng xả thân vì nước. Qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới, tui vẫn còn lại... một đứa rưỡi!”. Vì sao có cái rưỡi ấy? Ông lại cười: “Một thằng hy sinh, một thằng phục viên, còn một thằng là thương binh hạng hai trên bốn!”.
Năm 2011, ông Ba Nghi có hai niềm vui lớn: Ông được Ban Thường vụ Huyện ủy Cù Lao Dung tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và tập thể Tàu 54 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Hay tin ổng mừng lắm đó chú, mừng mà nước mắt cứ lăn dài vậy đó!” – bà Cẩm nói.
Bài và ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu