Vào nửa cuối những năm 60 thế kỷ trước, vùng đất Quảng Trị bị địch đánh phá ác liệt. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” để bắn phá, bóc gỡ các cơ sở cách mạng và tìm diệt bộ đội và du kích ta, biến Quảng Trị thành vùng trắng...
QĐND - Vào nửa cuối những năm 60 thế kỷ trước, vùng đất Quảng Trị bị địch đánh phá ác liệt. Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” để bắn phá, bóc gỡ các cơ sở cách mạng và tìm diệt bộ đội và du kích ta, biến Quảng Trị thành vùng trắng.
Thực hiện lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị, quân và dân trên địa bàn kiên quyết bám đất, bám làng, vượt qua mọi gian khổ, tìm cách đánh tan các cuộc càn quét của giặc, làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận” của chúng. Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, hiến kế, dùng mưu đánh giặc của quân và dân Quảng Trị dâng cao, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Mưu kế dùng "bù nhìn" rơm đánh máy bay trực thăng của du kích xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong là một trong những điển hình. Tổ du kích 3 người của xã do anh Nguyễn Cử chỉ huy đã dùng rơm kết thành con "bù nhìn" và ngụy trang khéo léo rất giống Quân Giải phóng. "Bù nhìn" có đầu đội mũ tai bèo, mặc quần áo Quân Giải phóng, lưng đeo ba lô, vai mang khẩu súng AK giả. Trong ruột mỗi "bù nhìn" đặt một quả bom tự tạo chứa thuốc nổ gắn một kíp nổ. Buổi sáng, "bù nhìn" được đem đặt ở ruộng hoặc cạnh lùm cây, rồi buộc thêm sợi dây cước có độ dài phù hợp. Du kích đào công sự ẩn nấp, cách chỗ bù nhìn khoảng 200m, kéo dây cước làm cho "bù nhìn" giật giật như người thật đang đi.
8 giờ ngày 3-9-1969, phi đội 3 trực thăng Mỹ từ hướng sân bay Đồng Lâm, Huế bay ra vòng lượn tìm kiếm. Rồi một chiếc phát hiện có người, tưởng là du kích, tên giặc lái cho giảm độ cao, bay chậm rồi thả lưới câu hòng bắt sống lên máy bay. Chúng vừa kéo con "bù nhìn" đến gần cửa, du kích liền giật dây kíp nổ, gây nổ quả bom chứa trong "bù nhìn". Bị trúng bom, máy bay bốc cháy cùng tổ lái tan xác, rơi xuống cánh đồng. Những chiếc còn lại khiếp sợ bay về lại căn cứ Đồng Lâm, Huế.
Nguyên Quảng