QĐND Online – Lần đầu tiên sau gần 40 năm, bốn anh hùng trong chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị có dịp gặp mặt đông đủ, tại chiến trường xưa. Họ về đây “gặp lại” những đồng đội đã từng kề vai sát cánh trong những tháng ngày ác liệt.

Họ cùng quay trở về mảnh đất máu lửa năm xưa để tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội trong Đại lễ cầu siêu, Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ do Dự án Văn hóa Uống nước nhớ nguồn thuộc Trung tâm Thông tin truyền Thông Vì môi trường phát triển, Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt phối hợp với Ban liên lạc chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - 1972 tổ chức.

Anh hùng Trần Minh Vân

 

Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Trần Minh Vân, quê Bình Định, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390 – Quân đoàn 1), người được biết đến với cái tên “Triệu Tử Long” nổi tiếng gan dạ, dũng cảm. Anh hùng Trần Minh Vân tham gia chiến đấu trên 300 trận trên chiến trường Quảng Trị, cùng đồng đội lập nhiều chiến công oanh liệt; bị thương 14 lần. Một trong những kỷ niệm mà bác nhớ mãi là gặp lại người bạn quê nhà hồi lớp 7. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là một trong những tù binh bị quân ta bắt trong 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt.

Anh hùng LLVT nhân dân Mai Ngọc Thoảng kể: vào năm 1972, khi đó mới 19 tuổi, nhận nhiệm vụ thông tin liên lạc nên phải luôn đảm bảo thông tin thông suốt ngày đêm. Lần nối thông tin liên lạc trên sông Thạch Hãn, có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất của một thời trận mạc. Ba đồng đội trước đó được giao nhiệm vụ này đã hi sinh, bác Thoảng là người thứ tư. Cả đơn vị đã làm lễ truy điệu cho bác trước lúc ra đi làm nhiệm vụ, nhưng với ý chí quyết tâm, cùng với sự khéo léo, nhanh trí, bác đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và trở về.

Anh hùng Mai Ngọc Thoảng

 

Trong những trận chiến ác liệt, tưởng như sẽ làm tình cảm con người trở nên chai sạn và khô cằn, nhưng hoàn cảnh khó khăn ấy, lại là dịp để nhiều câu chuyện cảm động về tình người xuất hiện.

Anh hùng Trần Minh Vân còn nhớ như in cái ngày đang trên đường từ Thành cổ về Sở chi huy tuyến sau, khi qua làng Kim Mỹ, xã Triệu Ái (nơi vừa bị máy bay B52 thả bom rải thảm). Đi giữa những hố bom chi chít, những mảnh gỗ đang cháy dang dở, thì phát hiện một cái gì đó động đậy dưới đống đổ nát. Vội gạt nhẹ lớp đất, anh tìm được một bé gái khoảng 4 tuổi, bị gãy chân, da tím tái và đang thoi thóp thở. Không chần chừ, anh vội băng bó và bế cháu bé chạy về đơn vị cứu chữa. Cháu bé đã mất hết người thân nên anh đã nhận làm con nuôi với tên gọi Trần Thị Trà Liên.

Chị Trà Liên, hiện đang sống với chồng và hai con ở An Giang xúc động kể: sau khi được bố nuôi cứu, sau năm ngày năm đêm chống lại lưỡi hái tử thần, tôi đã thoát chết một cách thần kỳ. Sau đó, bà ngoại may mắn tìm được tôi và đưa đi, từ đó, không biết tin tức về cha nuôi. Sau nhiều năm tìm kiếm, năm 2007, hai cha con đã gặp lại nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (bên phải) cùng anh hùng Vũ Trung Thướng xem cuốn sách ảnh "Khoảnh khắc" ghi lại những hình ảnh chiến tranh, đặc biệt là về Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử.

Thiếu úy Vũ Trung Thướng, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Đơn vị 88, Sư đoàn B20 được giao nhiệm vụ chốt chặn địch ở Ngã ba Long Hưng; kiên quyết không cho chúng có cơ hội cắm cờ lên Thành Quảng Trị, tạo sức ép cho địch trong cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris. Người lính trẻ ấy đã đi vào lịch sử khi một lúc bắn sáu quả B40, tiêu diệt một đại đội địch lên cắm cờ. Chiếc áo mà chàng thiếu úy trẻ mặc trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu đã trở thành một hiện vật quý báu, góp phần vào giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau. Chiếc áo ấy hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự.

 

Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Trung Thành, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 16, Trung đoàn Thạch Hãn cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi đơn vị bắn rơi 29 chiếc máy bay trong 81 ngày đêm.  

Anh hùng Bùi Trung Thành

Hôm nay, dạo bước trong Thành cổ, những thảm cỏ xanh non tơ, hàng cây, bóng dừa cao vút… khó ai có thể hình dung đây là chứng tích của 81 ngày đêm rực lửa, đẫm máu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân của những người lính quả cảm. Đâu đó trong mỗi tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ, dưới mỗi bước chân ta đi đều thấm đẫm xương máu của các anh – những người con vĩ đại của dân tộc

Văng vẳng đâu đây câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Bài, ảnh: Nguyễn Việt Hùng