QĐND - Trong buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, PGS, TS Phạm Trọng Mạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường kể với chúng tôi câu chuyện vui, có thật mà thấm thía. Số là trong một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ kiến trúc về mạng lưới giao thông thành phố của một nghiên cứu sinh do giảng viên nhà trường hướng dẫn, trước Hội đồng Bảo vệ luận án cấp Nhà nước, nghiên cứu sinh trình bày rành rọt, khúc chiết, với nhiều ý tưởng mới, đồng thời nêu rõ thêm "công trình bảo đảm đầy đủ các yếu tố về quốc phòng-an ninh (QP-AN), góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc".

Nghe nghiên cứu viên thuyết trình xong, một thành viên Hội đồng từng là cán bộ Quân đội nêu câu hỏi để làm rõ thêm yếu tố bảo đảm QP-AN. Điều này khiến nghiên cứu sinh lúng túng, vì anh chưa nghiên cứu sâu sắc qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về QP-AN. Còn khi thuyết minh bảo vệ công trình, do nghiên cứu sinh "cao hứng" mở rộng, chứ chưa có tính toán đến yếu tố QP-AN cụ thể. Câu chuyện trên cho thấy, việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên, nhất là ngành kiến trúc có ý nghĩa thiết thực, cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc.

LLVT quận Hà Đông tham gia với các đơn vị sinh hoạt văn nghệ, giáo dục truyền thống.

Trong những năm qua, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội quán triệt và chấp hành nghiêm chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, nhân viên. Nhà trường đã cử cán bộ đi dự các lớp bồi dưỡng đúng đối tượng, trực tiếp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, giảng viên, nhân viên theo phân cấp đối tượng. Năm 2013, Nhà trường đã tổ chức 2 lớp cho đối tượng 4 với 100% cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường. Cùng với các chuyên đề nghiên cứu, học tập theo quy định, nhà trường tổ chức cho học viên nghiên cứu các chuyên đề bổ trợ, gắn với thực tế quy hoạch vùng miền, gắn yếu tố QP-AN với các đồ án kiến trúc, các công trình thiết kế xây dựng phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý... Nhà trường mời các cán bộ, giảng viên học viện, nhà trường quân đội đến giảng bài, thông tin tình hình QP-AN trong nước, quốc tế để học viên nắm bắt, nghiên cứu, vận dụng phù hợp. Đồng chí Trần Anh Hòa, Trung đội trưởng Trung đội tự vệ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: 100% cán bộ, chiến sĩ tự vệ của nhà trường đều đã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN và bảo đảm huấn luyện đầy đủ các nội dung về chính trị, quân sự. Ban CHQS quận Hà Đông kiểm tra, phúc tra công tác huấn luyện quân sự của tự vệ nhà trường, 100% đều đạt khá, giỏi.

Dân quân phường Quang Trung (Hà Đông) luyện tập bắn máy bay bay thấp.

Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng quận Hà Đông quản lý đều được triển khai tích cực, thường xuyên. Trung tá Đoàn Việt Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Hà Đông cho biết: Năm 2013, các cơ quan, đơn vị thuộc quận Hà Đông đã hoàn thành 100% kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng quận quản lý. Toàn quận đã mở 31 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng 3, 4 và 5, trong đó có 1 lớp đối tượng 3 và 6 lớp đối tượng 4, tổng số học viên được bồi dưỡng 3.041 người. Các lớp đều nghiên cứu, học tập đầy đủ các nội dung, chuyên đề quy định và từng cơ sở mở các chuyên đề bồi dưỡng, bổ trợ phù hợp điều kiện thực tế công tác của ngành, nhà trường, địa phương. Kết thúc các lớp bồi dưỡng, học viên đều viết chuyên đề thu hoạch và kiểm tra nhận thức. Ban CHQS quận đã tham mưu với Quận ủy, UBND quận tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra kết quả; gắn kết quả học tập, bồi dưỡng kiến thức QP-AN với phong trào thi đua yêu nước để đánh giá, bình xét, khen thưởng hằng năm. Bên cạnh đó, Ban CHQS quận chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đổi mới quy trình tổ chức, chương trình phù hợp, cập nhật kiến thức mới, sát tình hình thực tiễn của địa phương, thành phố và của đất nước. Chẳng hạn như các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN mở cuối năm nay có thêm chuyên đề nghiên cứu định hướng về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng kết luận, để triển khai thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng trên cơ sở các nội dung, chuyên đề quy định, song phải luôn đổi mới, bảo đảm tính phong phú, sinh động - Trung tá Vương Tuấn Bích, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS quận Hà Đông nêu kinh nghiệm. Trước, trong và sau khi mở các lớp bồi dưỡng, Ban CHQS đều phân công cán bộ theo dõi; phối hợp với Ban Tuyên giáo và Đài Truyền thanh của quận, phường tuyên truyền; biểu dương những cán bộ, học viên đạt kết quả cao trong nghiên cứu, học tập và thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng Đài Truyền thanh quận Hà Đông, học viên lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 3 cho biết: Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã chủ động vận dụng kết quả vào công việc, tổ chức tuyên truyền công tác quốc phòng, quân sự địa phương tích cực, thường xuyên hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU