QĐND - Cho đến nay, 60 năm đã trôi qua nhưng mật danh Trần Đình (Chiến dịch Điện Biên Phủ) không phải nhiều người đã hiểu kỹ. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch, công tác giữ bí mật đã được bảo đảm tuyệt đối, với sự chấp hành nghiêm ngặt của mọi cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến và cả những người dân. Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh, khi tham gia chiến dịch là cán sự chính trị Tiểu đoàn 418 (Trung đoàn 57, Đại đoàn 304) cho biết: “Ngày đó, chúng tôi nhận lệnh hành quân từ Thanh Hóa lên Phú Thọ. Ở Phú Thọ hơn tháng trời trong rừng nứa, bộ đội không được tiếp xúc với dân, không được tập luyện vì sợ lộ. Cấp dưỡng đơn vị đi mua thức ăn cũng phải cải trang thành người dân, đi ở nhiều chợ khác nhau. Giữ bí mật trong điều kiện ấy, bộ đội “bí bách” lắm. Tôi làm công tác chính trị, phải nghĩ cách cho bộ đội giải trí tại chỗ, như chơi tú lơ khơ, tam cúc bằng thanh nứa dán bìa giấy. Đến khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ đi Chiến dịch Trần Đình, hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên mà anh nào anh nấy sung sướng không tưởng tượng được”.

Bộ đội ta đưa pháo 105mm vào Điện Biên Phủ là một bất ngờ lớn đối với địch. Ảnh tư liệu

Cựu chiến binh Phạm Minh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 cũng nhớ nguyên vẹn kỷ niệm về giữ bí mật: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ ở Thuận Châu, đơn vị tôi được lệnh hành quân mà chẳng biết để làm gì. Tôi là cán bộ tác chiến nên may mắn nằm trong số người được “mật báo” về điểm đến. Nhiệm vụ của tôi là chuẩn bị hành quân cho bộ đội, đi tiền trạm để tìm những nơi đóng quân dọc đường. Đi chiến trường nhưng chỉ biết hành trình từng ngày, hôm nay đến chỗ A, mai đến chỗ B, thế thôi. Bí mật đến cùng”.

Vì hành quân ban đêm, còn ban ngày thì không được dừng chân ở chỗ trống trải đề phòng máy bay địch. Chúng tôi phải tìm chỗ rừng kín làm nơi dừng chân cho đơn vị. Khi đến ngã ba Tuần Giáo, bộ đội đang dùng bữa thì đồng chí Chu Huy Mân, lúc đó là Chính ủy Đại đoàn, đi ngựa lên giục: “Các cậu không ngồi ăn nữa, vừa đi vừa ăn, nếu không địch sẽ rút hết. Thế là cả đơn vị lo phân đội hình, vừa hành quân vừa tính cách chặn địch, không cho chúng rút”.

Nhờ tinh thần giữ bí mật của bộ đội, dân công và nhân dân, ngay cả khi các đại đoàn của ta hình thành thế bao vây Điện Biên Phủ, các tướng tá của địch ở Điện Biên lẫn Hà Nội vẫn không thể đánh giá đúng tình hình và càng không thể hình dung được chiếc “dây thòng lọng” của quân dân ta đã thít chặt xung quanh Điện Biên Phủ.

HUYỀN NGA