Ngày 22-6-2008, Abdul Qadeer Khan - cha đẻ chương trình hạt nhân Pakistan - bác bỏ nguồn tin mình có liên quan đến đường dây buôn lậu kỹ thuật hạt nhân mà Chính phủ Thụy Sĩ tiết lộ vào tháng 5-2008, liên quan ba kỹ sư Thụy Sĩ bị bắt hồi tháng 10-2004 về tội bán kỹ thuật hạt nhân cho Libya thông qua Khan. Vụ việc một lần nữa cho thấy Khan quả thật là nhân vật đang giữ kín nhiều bí mật động trời liên quan đường dây bán kỹ thuật hạt nhân cho một số nước.
Chiến dịch Johannesburg
Năm 2004, một vụ chấn động từng được phanh phui khi cảnh sát đột nhập một nhà máy tại Johannesburg (Nam Phi) với 11 container dự tính chuyển sang Libya. Theo Los Angeles Times, hệ thống máy móc phức tạp nói trên được thiết kế nhằm điều khiển 1.000 thiết bị ly tâm dùng trong công nghệ vũ khí hạt nhân. Nếu được lắp tại Libya như kế hoạch, nhà máy hạt nhân này có thể sản xuất đủ uranium cho vài quả bom nguyên tử.
Trong thực tế, Abdul Qadeer Khan đã bí mật chuyển hàng sang Libya với vài đợt riêng lẻ, xuất phát từ cảng Malaysia nhưng bị tình báo Mỹ và Ý phát hiện vào tháng 10-2003, đem lại manh mối cho vụ khám xét bất ngờ vào ngày 1-9-2004 tại Johannesburg như nói ở trên.
Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy cuộn băng hình ghi chi tiết phòng thí nghiệm làm giàu uranium siêu mật của Khan thời còn làm việc cho Chính phủ Pakistan. Chiến dịch Johannesburg đã dẫn đến việc bắt bốn nhân vật quan trọng trong đó có một người từng dính dáng chương trình hạt nhân của Chính phủ Nam Phi thời apartheid. Cụ thể, hệ thống công nghệ hạt nhân bị phát hiện tại Công ty cơ khí Tradefin ở Vanderbijlpark (Johannesburg) được xây dựng năm 2001.
Daniel Jacobus Van Beek - giám đốc Phòng chống tội phạm buôn lậu hạt nhân Nam Phi - cho biết đây là một trong những vụ nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Theo Van Beek, số thiết bị công nghệ hạt nhân (200 tấn) tại Tradefin trị giá khoảng 33 triệu USD.
|
Gerhard Wisser – một trong những mắt xích trong đường dây Abdul Qadeer Khan. |
Tên tuổi Abdul Qadeer Khan chẳng xa lạ gì. Học tại Đức, Khan là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ hạt nhân Pakistan (được xem là cha đẻ của vũ khí nguyên tử Pakistan). Vấn đề ở chỗ Khan không chỉ phục vụ Chính phủ Islamabad mà còn bán kỹ thuật hạt nhân cho thị trường chợ đen. Vụ Khan dính dáng Libya chỉ được tiết lộ vào tháng 12-2003, khi Chính phủ Tripoli quyết định công khai hóa chương trình hạt nhân như một cách lấy lòng trong chính sách làm hòa với phương Tây, trong đó có chi tiết Khan từng bán kỹ thuật hạt nhân cho Libya với tổng cộng 100 triệu USD trong 10 năm (gồm cả bản thiết kế đầu đạn hạt nhân).
Dưới sức ép quốc tế, Pakistan đã buộc Khan thú nhận hành động trên trong chương trình truyền hình quốc gia nhưng sau đó tổng thống Pakistan chuẩn y lệnh “ân xá” Khan tức thời.
Vài tháng trước khi bị phát hiện, hai nhân vật quan trọng trong đường dây đã đề nghị “nấu chảy” toàn bộ thiết bị, đốt các bản thiết kế, hủy toàn bộ tập tin liên quan trong máy tính tại Tradefin nhưng kế hoạch tiêu hủy chứng cớ chưa thực hiện thì nội vụ đổ bể.
Ông chủ Tradefin, Johan A.M. Meyer 53 tuổi, bị bắt cùng hai người khác - Gerhard Wisser 65 tuổi (gốc Đức) và Daniel Geiges 66 tuổi (Thụy Sĩ). Wisser là mắt xích quan trọng trong đường dây của Khan, với vỏ bọc giám đốc điều hành Krisch Engineering (hãng tư vấn tại Randburg, ngoại ô Johannesburg) và Geiges làm việc cho Wisser từ năm 1978.
Bất chấp luật kiểm soát hạt nhân quốc tế, Krisch Engineering đã nhập thiết bị cho chương trình hạt nhân Nam Phi vào thập niên 1980 (thời apartheid). Tuy nhiên, trong vụ Tradefin, Wisser lẫn Geiges đều khẳng định rằng họ chẳng dính dáng gì phi vụ Libya. Ngoài ra, còn có nhân vật thứ tư: Gotthard Lerch 61 tuổi, bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt theo yêu cầu từ Đức, nơi buộc Lerch tội nhận 4,25 triệu USD để giúp Libya nghiên cứu-phát triển vũ khí hạt nhân. Văn phòng Lerch bị cảnh sát đột kích trong cùng ngày cảnh sát Nam Phi xông vào nhà máy Tradefin (phiên xử Lerch bắt đầu được thực hiện tại Đức trung tuần tháng 6-2008)…
Phi vụ 1 triệu USD tiền hoa hồng
Cuối năm 1999, khi tìm đối tác làm ăn tại Trung Đông, Gerhard Wisser tổ chức bữa ăn tối tại Dubai (Tiểu vương quốc các nước Arab thống nhất - UAE). Trong số khách, có Lerch - người mà Wisser từng biết nhiều năm trong những giao dịch thương mại. Nhân vật đáng chú ý nữa là Buhary Syed abu Tahir (lúc đó 40 tuổi) - doanh nhân Sri Lanka giàu có, sống tại Dubai. Tahir lẫn Lerch đều dính dáng chương trình hạt nhân Pakistan và Tahir thậm chí từng điều phối chuyến hàng gửi sang Iran cũng như thay mặt Khan giao dịch với Libya.
Vài phút sau khi bữa ăn bắt đầu, Tahir hỏi rằng liệu Công ty Wisser có thể sản xuất “một số hệ thống ống dẫn” cho một khách hàng được không. Hứa gửi bản vẽ “ống dẫn” (sau khi được Lerch kiểm tra theo đúng kết cấu kỹ thuật yêu cầu) sang Nam Phi trong thời gian nhanh nhất, Tahir nói rằng ống dẫn sẽ được dùng cho một “nhà máy lọc dầu tại UAE”.
Thời điểm đó, Iran và CHDCND Triều Tiên không còn là khách sộp nên Khan bắt đầu tìm thị trường mới. Libya được chú ý đầu tiên. Năm 1997, tình báo Libya bắt đầu móc nối Khan; kết quả, “Dự án phụ tùng máy 1001” ra đời. Theo lời khai Tahir (hiện ngồi tù tại Malaysia), cuộc dàn xếp và thương lượng bí mật được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với sự có mặt của Khan và Mohammed Matuq Mohammed (giám đốc chương trình hạt nhân Libya).
Không như Iran và CHDCND Triều Tiên, Libya không có cơ sở hạ tầng tốt cho công nghệ vũ khí hạt nhân. Vậy là Lerch trở thành người trực tiếp cung cấp các thiết bị quan trọng từ Nam Phi (dù Chính phủ Nam Phi từ bỏ chương trình hạt nhân năm 1991 nhưng nhiều thiết bị còn nguyên vẹn). Trong thương vụ này, Khan đề nghị chi cho Wisser 1 triệu USD tiền hoa hồng.
Bài 2: Khan đánh cắp tài liệu hạt nhân như thế nào?
Theo: SGGP-Mạnh Kim |