Những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) chính quyền Mỹ-Diệm đã dồn dân các thôn của xã Phước Thành, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) vào khu tập trung để dễ bề phân hóa, phá vỡ các cơ sở cách mạng của ta...
QĐND - Những năm đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) chính quyền Mỹ-Diệm đã dồn dân các thôn của xã Phước Thành, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) vào khu tập trung để dễ bề phân hóa, phá vỡ các cơ sở cách mạng của ta.
 |
Di tích bẫy đá Pi-năng Tắc. Ảnh internet. |
Pi-năng Tắc là một trong những du kích xuất sắc của lực lượng vũ trang cách mạng địa phương, đã xây dựng được cơ sở bí mật rồi đề nghị với tổ chức phá khu tập trung của địch, đưa đồng bào đến khu bí mật trên núi để sát cánh tiêu diệt kẻ thù. Tính trước sự điên cuồng của địch sẽ đánh lên khu bí mật của ta, ông đã làm bẫy đá, vót chông, đào hầm, làm nỏ… Khu bí mật này được xây dựng trên đỉnh đèo Gia Trúc dẫn lên căn cứ Phước Bình. Nơi đây địa thế vô cùng hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút, chỉ có con đường độc đạo. Muốn lên được căn cứ Phước Bình địch chỉ có con đường độc đạo duy nhất qua đường đèo Gia Trúc.
Bẫy đá được thiết kế như sau: Pi-năng Tắc chỉ đạo bà con xẻ gỗ làm những cái sàn lớn, buộc một mép sàn vào vách đá hoặc gốc cây, còn đầu kia để bung biêng như cánh cửa đặt nằm ngang. Dưới sàn gỗ lớn là hệ thống cọc chống, có gài một cây ngang như cái lẫy nỏ. Trên mặt sàn chứa đầy những hòn đá các loại. Khi phát hiện toán giặc đi phía dưới đường mòn của núi thì bà con đồng loạt giật lẫy, toàn bộ các bè đá khổng lồ lăn xuống diệt ngay những tên địch.
Với những chiếc bẫy đá như thế, Pi-năng Tắc và các chiến sĩ du kích đã đánh thắng nhiều trận, trong trận đánh ngày 10-8-1961, dân quân du kích xã Phước Thành đã tiêu diệt hơn 100 tên địch. Từ đó, bẫy đá Pi-năng Tắc trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Nguyễn Tuấn