QĐND - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng (BQP), ngay từ 1-12-2011, Trường Sĩ quan Pháo binh đã tiến hành xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội. Qua gần hai năm triển khai, mô hình này đã dần khẳng định tính đúng đắn và ưu việt so với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khúc mắc nảy sinh.
Thượng tá Đặng Xuân Cường, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 tâm sự: “Bếp xã hội hóa được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, công tác vệ sinh tốt, thức ăn bảo đảm dinh dưỡng, học viên ăn ngon miệng. Tuy nhiên, việc tổ chức bếp ăn xã hội hóa cũng nảy sinh một số vấn đề. Đó là, số rau và thực phẩm đơn vị làm ra nhiều, nhưng không có nơi tiêu thụ. Ban quản lý bếp xã hội hóa chỉ ưu tiên nhập thực phẩm từ bên ngoài, nên sản phẩn tăng gia của đơn vị không có đầu ra”.
 |
“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” ở bếp ăn xã hội hóa tại Trường Sĩ quan Pháo binh.
|
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại, cán bộ, học viên, nhân viên Tiểu đoàn 2 đang sở hữu 3.600m² đất trồng rau; ao cá rộng gần 5000m² và nuôi hơn 100 đầu lợn. Rau, cá, thịt lợn làm ra nhiều nhưng không sử dụng được vào bữa ăn của bộ đội.
Một vấn đề nữa là, mỗi khi tổ chức diễn tập dài ngày, thì bếp xã hội hóa chưa bảo đảm được. Những đợt diễn tập, nhà trường căn cứ vào khung tập chia bếp tới đầu tiểu đoàn. Thế là cấp ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 2 phải tổ chức lại bếp, phải điều người từ đơn vị khác về để có đủ người phục vụ bếp ăn.
Tại Tiểu đoàn 1, trao đổi với cấp ủy, chỉ huy đơn vị, chúng tôi cũng thu nhận được nhiều ý kiến xây dựng về bếp ăn xã hội hóa. Thượng tá Lê Đình Quang, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 phân tích: “Thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên nhà bếp xã hội nhìn chung là tốt, luôn cầu thị, đơn vị góp ý họ tiếp thu chân thành. Bàn ghế, bát đũa, xoong nồi sạch sẽ, ngăn nắp, chính quy. Nhưng mặt hạn chế của bếp xã hội hóa là việc nhập sản phẩm tăng gia vào bếp xã hội hóa không được thuận tiện, không phát huy được hiệu quả tăng gia sản xuất”.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 góp lời: “Đúng là thịt lợn bộ đội nuôi thì mỡ hơn, rau trồng già hơn, nhưng nếu rau ngót nhập vào bếp xã hội hóa, nhà bếp yêu cầu cắt hết cành, tuốt lá, rồi mới cân thì thiệt cho đơn vị quá. Đơn vị muốn ăn thêm cũng không chủ động được. Theo tôi, xã hội hóa bếp ăn chỉ nên xã hội hóa về mặt nhân công”.
Tìm hiểu kỹ hơn về bếp ăn xã hội hóa, chúng tôi được biết, để giúp nhà thầu thực hiện tốt nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết, Phòng Hậu cần Nhà trường cử cán bộ hướng dẫn đội ngũ phục vụ nắm vững nguyên tắc và những quy định về công tác bảo đảm ăn uống trong nhà ăn quân đội. Nhà trường xây dựng và ban hành quy chế hoạt động nhà ăn xã hội hóa, quy định cụ thể nguyên tắc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng trong nhà ăn. Để tiện theo dõi, kiểm tra các hoạt động tại bếp ăn xã hội hóa, nhà trường thành lập tổ giám sát. Tổ giám sát có nhiệm vụ theo dõi, giám sát toàn bộ các hoạt động của bếp ăn; kịp thời phản ánh tình hình ăn uống với cơ quan quân nhu đơn vị và những vấn đề mới nảy sinh trái với các điều khoản hợp đồng để có phương án xử lý. Vào thứ 5 hàng tuần, Ban Quân nhu lập và phối hợp với nhà thầu hoàn chỉnh thực đơn ăn của tuần sau…
Đại tá Nguyễn Đức Khải, Chính ủy nhà trường cho rằng: “Nhà trường mỗi năm có từ 5 đến 6 cuộc diễn tập của các khóa học viên. Đã là nhà trường thì phải toàn diện, cả quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Chuyên ngành pháo binh thì phải đi sâu. Hậu cần phải huấn luyện cả vấn đề nuôi quân. Để bảo đảm ăn cho bộ đội ở điều kiện dã ngoại, thì bếp xã hội hóa không đáp ứng được. Năm 2012, vào dịp diễn tập tổng hợp, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã thử nghiệm nhưng bếp xã hội hóa không đáp ứng được yêu cầu của đợt diễn tập.
Hơn nữa, nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo người sĩ quan toàn diện, trong đó có kiến thức hậu cần, kiến thức nuôi quân. Khi thực hiện nhiệm vụ dã ngoại, người học viên đóng vai sĩ quan để chỉ huy phân đội, làm công tác hậu cần. Thực tế bếp xã hội hóa không làm được, bộ đội vẫn phải đảm nhiệm”.
Rõ ràng việc tổ chức bếp ăn xã hội hóa ở Trường Sĩ quan Pháo binh vẫn còn nhiều điều bất cập. Rất mong các cơ quan chức năng sớm xem xét đánh giá và điều chỉnh kịp thời mô hình này.
Bài và ảnh: HÀ HÙNG