Dẫn chúng tôi tới tham quan bảo tàng, đến gian trưng bày các hiện vật mà BTHC mới tiếp nhận gần đây, Đại tá, TS Đào Hải Triều, Giám đốc BTHC chỉ vào từng hiện vật, giới thiệu: “Đây là bộ lễ phục K58 của Thượng tướng Đinh Đức Thiện khi đồng chí công tác trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được gia đình lưu giữ cẩn trọng suốt thời gian dài và năm ngoái được thân nhân gia đình Thượng tướng Đinh Đức Thiện trao tặng cho BTHC để phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền. Còn đây là những kỷ vật về công tác hậu cần nhân dân của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc: Chiếc yên ngựa của gia đình ông Lường Văn Oi (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), chiếc ninh bằng đồng của gia đình bà Lường Thị Uôn, dân công xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Hai vật dụng này được ông Oi và bà Uôn sử dụng cho ngựa thồ hàng và đồ cơm, luộc rau phục vụ bộ đội sử dụng trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Những hiện vật này do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trao tặng lại cho BTHC”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Cục Chính trị (Tổng cục Hậu cần) tiếp nhận kỷ vật của các cựu chiến binh trao tặng Bảo tàng Hậu cần năm 2016. 
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, BTHC đang lưu giữ hơn 16.000 tư liệu, hiện vật các loại, trong đó có rất nhiều tư liệu, hiện vật quý. Để có được số lượng hiện vật đồ sộ đó, các thế hệ cán bộ, nhân viên bảo tàng đã vượt qua mọi khó khăn, triển khai các biện pháp đồng bộ, sáng tạo, huy động được nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân tham gia sưu tầm, hiến tặng và phục dựng hiện vật, kỷ vật lịch sử nói chung, kỷ vật hậu cần nói riêng. Từ năm 2012 đến nay, sau khi Tổng cục Hậu cần phát động phong trào hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành hậu cần quân đội, BTHC cần đã tiếp nhận được gần 3.000 hiện vật, kỷ vật có giá trị. Các cuộc tiếp nhận hiện vật, kỷ vật luôn được BTHC tổ chức chu đáo, trang trọng, qua đó khích lệ các tổ chức, cá nhân hăng hái tham gia sưu tầm, trao tặng hiện vật cho bảo tàng.

Số lượng hiện vật lớn, đa dạng là “vốn quý” của bảo tàng, song cũng đặt ra yêu cầu nặng nề hơn trong công tác bảo quản, phục dựng, lưu giữ và trưng bày tuyên truyền. Thiếu tá QNCN Trần Thị Sâm, Trợ lý Ban Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản cho biết: "Hiện vật sau khi sưu tầm về được phân loại, bảo quản theo từng loại chất liệu, tiến hành hoàn thiện hồ sơ và thông qua hội đồng khoa học để xét duyệt thì mới trở thành hiện vật bảo tàng. Công việc này đòi hỏi khá nhiều công sức và kinh phí, bởi các hiện vật theo thời gian đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Do đó, nếu không làm tốt việc bảo quản, phục chế, phục dựng sẽ khó lưu giữ lâu dài để trưng bày. Thế nhưng hiện nay, các loại máy móc, trang thiết bị cũng như kinh phí thực hiện công tác này ở BTHC còn khá khiêm tốn so với số lượng hiện vật mà bảo tàng sở hữu". Để khắc phục vấn đề này, theo Đại tá Đào Hải Triều, Ban Giám đốc BTHC đã tham mưu với cấp trên và tích cực tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia công tác phục chế, phục dựng, bảo quản, bảo dưỡng hiện vật gốc khối lớn và bước đầu đã đạt được kết quả tốt.

Bài và ảnh: TIẾN MINH