Chủ động phòng ngừa

Theo đánh giá của Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), mặc dù số bệnh nhân trong toàn quân mắc bệnh truyền nhiễm quý I năm 2017 giảm 30,75% (734/1.060 ca) so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên, một số bệnh tăng so với cùng kỳ là: Thủy đậu; viêm màng não mủ; nhiễm khuẩn não mô cầu,... Trước diễn biến dịch bệnh trên, ngày 11-4-2017, Cục Quân y đã có Hướng dẫn số 379/HD-QY hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, say nắng, say nóng mùa hè. Theo đó, Cục Quân y yêu cầu Chủ nhiệm quân y các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện tốt việc tuyên truyền những biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè; chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống say nắng, say nóng; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch không đặc hiệu; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại địa phương đơn vị đóng quân; cụ thể hóa các biện pháp, trong đó tập trung cập nhật, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè và phòng, chống say nắng, say nóng; rà soát, bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, sẵn sàng chống dịch và phòng, chống lụt, bão phù hợp với điều kiện thực tế từng đơn vị; phối hợp triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, quân y các cấp tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy của cấp mình triển khai đồng bộ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho bộ đội, trọng tâm là các bệnh dịch thường xảy ra trong mùa nắng nóng như: Nhiễm khuẩn não mô cầu, sốt xuất huyết, quai bị, nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống… 

leftcenterrightdel
Lữ đoàn 679 (Vùng 1 Hải quân) đầu tư lắp đặt thiết bị, quạt trần cho nhà ăn, bảo đảm thoáng mát cho bộ đội. Ảnh: Xuân Giang 

Bên cạnh việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chế biến tập trung để chủ động cung cấp lượng thực phẩm có chất lượng, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo, trên cơ sở mức tiền ăn quy định của từng đối tượng, giá lương thực, thực phẩm (LTTP) từng khu vực, địa bàn đóng quân... cơ quan quân nhu các cấp lập kế hoạch tổ chức bảo đảm ăn uống, báo cáo người chỉ huy phê duyệt; hướng dẫn bếp ăn của đơn vị xây dựng thực đơn ăn theo tuần có cơ cấu bữa ăn hợp lý, định lượng cân đối, đủ khoáng chất cần thiết; tăng cường kỹ thuật chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các món ăn tại bếp theo cường độ hoạt động, thời tiết và khẩu vị của bộ đội; đồng thời bảo đảm đầy đủ nhu cầu nước uống cho bộ đội ở thao trường cũng như trong doanh trại... Cơ quan chuyên môn cần thường xuyên kiểm tra nhà ăn, nhà bếp, nắm tình hình về kết quả bảo đảm ăn uống hằng ngày, định kỳ lấy ý kiến của người ăn, điều chỉnh thực đơn, cơ cấu bữa ăn để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn.

Có mặt tại Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công), chúng tôi ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh được cơ quan quân y của đơn vị thực hiện rất nghiêm túc. Quân y đơn vị được tập huấn những kiến thức cơ bản, cách nhận biết các biểu hiện, cách dự phòng và kỹ thuật cấp cứu say nắng, say nóng; tập trung huấn luyện thuần thục kỹ thuật sử dụng lều cấp cứu say nắng, say nóng. Ngoài ra, đơn vị còn chuẩn bị đầy đủ trang bị, thuốc cấp cứu phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh cho bộ đội, nhất là khi các đơn vị luyện tập ngoài thao trường, huấn luyện dã ngoại. Ngay từ đầu mùa hè, cơ quan quân y lữ đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống say nắng, say nóng cho các đối tượng, nhất là số chiến sĩ mới. Lữ đoàn cũng thực hiện tốt công tác theo dõi và quản lý chặt chẽ bệnh nhân, tổ chức phun thuốc và triển khai các biện pháp diệt ruồi, muỗi tại khu vực nhà ăn, nhà bếp... Tại một số bếp ăn của lữ đoàn, chúng tôi thấy xung quanh đều được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ, khu vực nhà ăn, nhà bếp, nhất là khu vực chế biến và chia thức ăn chín đều được bảo quản, vệ sinh cẩn thận. Các hộp lưu nghiệm thức ăn được lấy mẫu, ghi chép theo dõi đầy đủ...

Giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên

Đặc điểm mùa hè với thời tiết, khí hậu nắng nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh truyền nhiễm và côn trùng truyền bệnh phát triển, nên nhiều bệnh dễ phát sinh thành dịch. Vì vậy, Cục Quân y đề nghị cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần quan tâm, chỉ đạo kịp thời cơ quan quân y đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội thực hiện nếp sống vệ sinh khoa học, hiểu biết về mầm bệnh, nguồn bệnh, đường lây, triệu chứng chính, biện pháp phòng, chống một số bệnh dịch thường xảy ra vào mùa hè và bệnh dịch hay xảy ra tại địa bàn đơn vị đóng quân. Từng cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch gắn với vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, nhỏ mũi bằng nước muối; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; phơi quần áo, chăn màn khi trời nắng... Các đơn vị chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống say nắng, say nóng; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch không đặc hiệu; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm, nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại địa bàn đơn vị đóng quân.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đoàn Trọng Tuyên, Phó trưởng Phòng Vệ sinh phòng dịch (Cục Quân y), cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục chấp hành và thực hiện nghiêm các hướng dẫn của ngành quân y, quân nhu theo quy định, các đơn vị cần tăng cường công tác phát hiện bệnh dịch sớm. Dự kiến cơ quan chuyên môn sẽ tiêm nhắc lại vắc-xin não mô cầu đối với đối tượng 2 đến 3 năm tuổi quân; xác định lại phác đồ điều trị, lựa chọn kháng sinh dự phòng; triển khai, hướng dẫn, tham mưu cho chỉ huy các cấp thay đổi lịch, giờ huấn luyện, tập huấn nâng cao kỹ năng cho nhân viên quân y các cấp, sử dụng hiệu quả trang thiết bị nhằm xử lý kịp thời các trường hợp say nắng, say nóng...

Để phòng, chống hiệu quả các bệnh cúm, sốt phát ban, thủy đậu, quai bị..., các cơ quan, đơn vị phải bảo đảm nơi ăn, ngủ thông thoáng, phơi toàn bộ quần áo, chăn, màn, chiếu vào ngày trời nắng. Khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lây truyền theo đường hô hấp, có nguy cơ thành dịch, cần tổ chức phun khử trùng không khí trong nhà; bảo đảm ăn chín, uống chín để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, cung cấp đủ nước uống sạch và nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc cho bộ đội. Các đơn vị cần tăng cường phối hợp cùng cơ quan quân nhu thường xuyên kiểm tra vệ sinh tại các bếp ăn tập thể, căng tin, khu vực chế biến, giết mổ tập trung; thực hiện nghiêm chế độ kiểm thực ba bước, lưu nghiệm mẫu thức ăn hằng ngày đúng quy định. Nghiêm cấm các đơn vị và cá nhân ăn các món ăn từ thịt không nấu chín (tiết canh, món tái, nem chạo, nem chua); tuyệt đối không được sử dụng thực phẩm đã bị ôi thiu, thịt gia súc, gia cầm ốm chết...  

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH