QĐND - Tháng 11-1964, chị Cao Thị Hương ở ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh xin vào hoạt động trong đội du kích của xã. Bấy giờ, đội du kích toàn là nam giới, nhưng khi thấy quyết tâm đánh giặc mạnh mẽ của cô gái chưa đầy 18 tuổi, các chú lãnh đạo đội cũng chấp nhận. Thời gian đầu nhận súng, cô chỉ biết nạp đạn, lên đạn, bóp cò. Để rèn luyện kỹ năng, cô thường xin đi theo các anh du kích nam tập ngắm, tập bắn để nâng cao trình độ sử dụng vũ khí.

Nữ du kích Cao Thị Hương (bên phải) nói chuyện truyền thống tại một chương trình giao lưu. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Ngày 15-12-1965, có tốp ba chiếc máy bay Mỹ quần lượn trên bầu trời Củ Chi, đội trưởng phân công một tổ du kích nam cơ động ra vị trí công sự để bắn máy bay. Nữ du kích Cao Thị Hương nằn nì mãi xin đội trưởng được đi bắn. Rồi được đội trưởng đồng ý, cô cầm lấy khẩu súng trường của đồng chí đội phó và chạy theo tổ du kích nam. Máy bay địch bắt đầu ném bom. Cơ động đến công sự, cô xin được bắn ngay nhưng các du kích nam không cho với lý do “đàn bà phải bắn sau cùng”. Mọi người chia nhau ngắm bắn. Cô được giao ngắm chiếc thứ ba. Khi máy bay địch bổ nhào thẳng vào vị trí tổ du kích, các đồng chí nam đồng loạt nổ súng, nhưng đều bị trượt. Đến lượt cô bắn 7 phát đạn thì thấy chiếc máy bay thứ ba bốc khói rồi từ từ rơi xuống. Hai chiếc còn lại lượn vòng rồi bay đi, không ném bom nữa. Trận đó, cô Hương được biểu dương toàn huyện và được điều động về đội nữ du kích tập trung Củ Chi thực hiện nhiệm vụ.

Nhắc lại chiến công năm ấy, cô chỉ cười và khiêm tốn: “Lúc đó, tôi quyết tâm bắn rơi máy bay của địch để được “bình đẳng” với các đồng chí nam. Và tôi đã bắn rơi máy bay địch ở Củ Chi”. Sau này trong đội hình đội nữ du kích Củ Chi, nữ du kích Cao Thị Hương cùng đồng đội lập thêm nhiều thành tích, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

HÙNG KHOA (Theo lời kể của nữ du kích Cao Thị Hương)