Sự ra đời của Ban nhạc Đất đỏ như một luồng gió làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Gần 4 năm qua, dưới sự quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Phòng Chính trị sư đoàn, ban nhạc phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, có nhiều đóng góp vào đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đơn vị.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Phòng Chính trị sư đoàn cho biết: “Những ngày đầu thành lập, ban nhạc gặp không ít khó khăn cả về con người, vật chất. Để phát hiện được hạt nhân, chúng tôi phải trực tiếp theo dõi các chương trình biểu diễn văn nghệ, nhất là Hội thi “Tiếng hát chiến sĩ mới” hằng năm do đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới tổ chức qua phần thi “Tài năng chiến sĩ”. Sau khi lựa chọn được hạt nhân thì đề xuất với chỉ huy sư đoàn mua sắm hoặc bổ sung nhạc cụ, xây dựng kế hoạch và lịch luyện tập hằng ngày. Hiện nay, ban nhạc gồm 6 thành viên, sử dụng các loại nhạc cụ: Organ, trống jazz, sáo trúc, saxophone, guitar bass, guitar phang. Để hợp luyện, cơ bản các thành viên tự mày mò học, lứa trước chỉ lứa sau, thỉnh thoảng mời chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc bồi dưỡng thêm cho anh em. Tuy nhiên, do chiến sĩ sau hai năm sẽ kết thúc nghĩa vụ quân sự nên để duy trì ban nhạc hoạt động thường xuyên, khi có lứa chiến sĩ mới vào, đơn vị lại tiếp tục tuyển chọn tài năng bổ sung ngay”.
 |
Ban nhạc Đất đỏ phục vụ quay phim phóng sự kỷ niệm Ngày truyền thống Sư đoàn (16-11-2020). |
Theo Đại tá Phạm Như Quân, Phó chính ủy sư đoàn, tên “Đất đỏ” xuất phát từ nguồn gốc ra đời của Sư đoàn 5 tại căn cứ Mây Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ khi thành lập đến nay, ban nhạc cùng đội tuyên truyền xung kích các trung đoàn luôn có mặt phục vụ những sự kiện, lễ kỷ niệm, chương trình giao lưu, hội nghị, hội thi, hội thao... Ban nhạc đã tham gia biểu diễn hàng trăm chương trình, tạo dấu ấn rõ nét trong đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, tiêu biểu như: Thi tuyên truyền Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2019 do Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh tổ chức đoạt giải nhất; Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Tây Ninh năm 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức đoạt giải nhất; Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ IX năm 2019 khu vực 1 đoạt giải nhất; biểu diễn phục vụ Chương trình “Tọa đàm sĩ quan trẻ” với Quân đội Hoàng gia Campuchia...
Đặc biệt, trong Chương trình “Xuân chiến sĩ” phục vụ bộ đội dịp Tết cổ truyền dân tộc-Xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua do ban nhạc biểu diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc, nhất là với những chiến sĩ lần đầu ăn Tết trong quân ngũ. Đại tá Phạm Như Quân cho biết thêm: “Hằng năm, trong các đợt bộ đội hành quân làm công tác dân vận, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn còn chỉ đạo ban nhạc kết hợp với đội tuyên truyền xung kích các trung đoàn xây dựng chương trình, tổ chức luyện tập, biểu diễn phục vụ nhân dân trên địa bàn đóng quân, góp tiếng nói tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tạo cơ hội cho chiến sĩ trẻ giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, nhằm đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong đơn vị gắn với Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong thời gian gần đây, khi sư đoàn triển khai thực hiện mô hình “Đội văn nghệ lưu động”, ban nhạc và đội tuyên truyền xung kích các trung đoàn là hạt nhân nòng cốt, luyện tập, biểu diễn lưu động phục vụ bộ đội huấn luyện trên thao trường để cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục khó khăn, quyết tâm thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”.
Trung sĩ Trần Thanh Huy, Tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5 phấn khởi: “Mỗi lần xem văn nghệ, hễ có Ban nhạc Đất đỏ là bộ đội rất thích thú. Trước đây, hầu như các chương trình biểu diễn chỉ toàn sử dụng nhạc beat thể hiện phần hát múa, dễ tạo cảm giác nhàm chán, thiếu sự hấp dẫn. Từ khi ban nhạc được thành lập, biểu diễn đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của đông đảo bộ đội. Cá nhân tôi thích nhất bản nhạc “Liên khúc Hành khúc Sư đoàn 5” và “Viết tiếp bản hùng ca Sư đoàn 5 anh hùng” do ban nhạc tự phổ nhạc với giai điệu tươi mới, hào hùng như thúc giục bộ đội tự giác phấn đấu học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Gần 4 năm qua, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để Ban nhạc Đất đỏ khẳng định vị trí của mình trong đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội. Với sự quan tâm sâu sắc của sư đoàn, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các hạt nhân cũng như sự hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ, tin tưởng rằng, ban nhạc sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Bài và ảnh: HOÀNG DANH