QĐND - Việc củng cố, tăng cường các thiết chế quân sự, chính trị trong Quân đội, trong đó có cơ quan Điều tra hình sự (ĐTHS) là đặc biệt cần thiết nhằm tăng cường pháp chế, giữ gìn kỷ luật, góp phần nâng cao sức mạnh của Quân đội. Trung tướng Lê Văn Hợp, Cục trưởng Cục ĐTHS Bộ Quốc phòng, đã trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân về chủ đề trên.

- Xin đồng chí cho biết những nét cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của Cục ĐTHS và ngành ĐTHS Quân đội?

Trung tướng Lê Văn Hợp: Cục ĐTHS là Cơ quan ĐTHS đầu ngành trong QĐND, trực thuộc Bộ Quốc phòng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, sự chỉ huy mọi mặt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ huy về QS, QP và quản lý hành chính quân sự của Tổng Tham mưu trưởng.

Cục có chức năng: Tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự xâm hại đến Quân đội, nhằm tăng cường kỷ luật và góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của QĐND; Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, huấn luyện về nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ đối với các cơ quan ĐTHS trong toàn ngành.

Về nhiệm vụ: Cũng giống như các cơ quan điều tra khác thuộc lực lượng CAND, Cục ĐTHS và các Cơ quan ĐTHS thuộc các đơn vị trong Quân đội là cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức ĐTHS năm 2004, đó là: “Tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa”...

- Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, Ngành ĐTHS Quân đội được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Văn Hợp: Hiện nay, Ngành ĐTHS được tổ chức thành 3 cấp, bao gồm: Cơ quan ĐTHS Bộ Quốc phòng; Cơ quan ĐTHS các quân khu, quân chủng, quân đoàn, tổng cục và Bộ Tổng tham mưu, binh chủng, binh đoàn, Bộ đội Biên phòng và Cơ quan ĐTHS các Tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng; Cơ quan ĐTHS khu vực.

Theo quy định của pháp luật, Cơ quan ĐTHS các cấp trong Quân đội tiến hành điều tra tội phạm xảy ra trên địa bàn khu vực lãnh thổ kết hợp đơn vị hành chính quân sự trên cơ sở thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự các cấp. Ngoài ra, Ngành ĐTHS quản lý hệ thống các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ để thực hiện nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trong Quân đội.

- Nghị quyết số 49 NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ của Quân ủy Trung ương về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với ngành ĐTHS Quân đội. Đề nghị đồng chí cho biết những nhiệm vụ chủ yếu?

Trung tướng Lê Văn Hợp: Hiện nay, Ngành ĐTHS đang tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49 NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020 và Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTƯ của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện Chiến lược CCTP trong Quân đội đến năm 2020, mà trọng tâm là: Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện việc đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống Cơ quan ĐTHS theo hướng thu gọn đầu mối, có sự kế thừa truyền thống, đồng bộ, phù hợp với đặc thù và đáp ứng sự phát triển của Quân đội; bảo đảm tăng cường sức mạnh hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm xâm hại đến Quân đội; duy trì nghiêm kỷ luật, pháp luật góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của QĐND trong tình hình mới.

Ngành nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng thành lập lực lượng Cảnh vệ tư pháp; xây dựng hệ thống kho vật chứng; điều chỉnh lại mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống các trại giam, trại tạm giam quân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong Quân đội.

Cùng với đó ngành phải nâng cao chất lượng, hiệu quả khởi tố, điều tra án hình sự, nhất là các vụ án mờ. Các vụ án đã thụ lý, điều tra phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật.

Đội ngũ cán bộ phải được xây dựng đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính quyết định tới việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới. Đảng ủy, Thủ trưởng Cục ĐTHS luôn coi trọng đồng thời việc xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ với việc giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, lối sống, xây dựng người sĩ quan ĐTHS Quân đội trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quan hệ chặt chẽ với nhân dân, “vì nhân dân phục vụ”.

- Cảm ơn đồng chí!

KIM NGỌC (thực hiện)